Tìm lại ánh sáng cho bệnh nhi 15 tháng tuổi bị khiếm thị bẩm sinh

Các bác sĩ khoa Liên chuyên khoa Mắt – Tai mũi họng – Răng hàm mặt đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhi 15 tháng tuổi bị đục thủy tinh thể bẩm sinh cả hai mắt.

Sáng 21/3, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thông tin về trường hợp bé 15 tháng tuổi được xuất viện sau 2 lần phẫu thuật đục thủy tinh thể bẩm sinh.

Đó là bé Đ.V.T. (trú tại Yên Lập, Phú Thọ). Bệnh nhi sinh ra trong gia đình có ông ngoại và mẹ bị đục thủy tinh thể bẩm sinh. Bé T. cũng bị đục thủy tinh thể bẩm sinh do ảnh hưởng của yếu tố di truyền.

Ngày 9/3, bé T. được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ khám và nhập viện trong tình trạng quấy khóc nhiều, đồ vật đưa sát mắt mới có thể nhận biết. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bé bị đục thủy tinh thể bẩm sinh, rung giật nhãn cầu, có chỉ định phẫu thuật.

Ngày 10/3, bệnh nhi được phẫu thuật mắt phải, kết quả thành công.

Ngày 12/3, bé tiếp tục được phẫu thuật mắt trái. Qua hai lần phẫu thuật thành công, mắt bệnh nhi ổn định, nhìn được xa hơn.

BSCKII Lê Văn Lữ, Phó trưởng khoa Liên chuyên khoa Mắt -Tai mũi họng – Răng hàm mặt, cho biết phát hiện và điều trị muộn, trẻ có thể mù lòa vĩnh viễn. Biểu hiện thường gặp nhất ở đục thủy tinh thể bẩm sinh là có một đốm trắng ở ngay giữa diện đồng tử, chỉ cần nhìn, quan sát kỹ bằng đèn pin hoặc đèn soi đáy mắt của bác sĩ nhãn khoa là có thể phát hiện.

Nhiều nguyên nhân gây đục thủy tinh thể bẩm sinh như di truyền, nhiễm khuẩn, rối loạn chuyển hóa hay phối hợp với các bệnh lý toàn thân khác. Phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất đối với đục thủy tinh thể bẩm sinh ở trẻ em.

Phẫu thuật thành công giúp đem lại ánh sáng cho nhiều trẻ em khiếm thị. Các em được hòa nhập được với cộng đồng và có cuộc sống tốt đẹp như những trẻ bình thường khác.

Tuệ Anh – Zing

Leave a Reply