Khi lên nắm quyền lãnh đạo, Tổng thống Mỹ Biden sẽ đối mặt một Trung Quốc rất khác so với đất nước mà ông từng đối phó dưới thời Obama.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 20/1 cho biết tân Tổng thống Joe Biden sẽ có cuộc điện đàm đầu tiên với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, sau đó là những đối tác và đồng minh khác của Mỹ nhằm “xây dựng lại các mối quan hệ, đồng thời xử lý các thách thức và mối đe dọa mà chúng ta đang đối mặt”.
Dưới thời tổng thống Donald Trump, “những mối đe dọa” này bao gồm cả Trung Quốc. Vậy nên, giới quan sát đang đặt câu hỏi liệu khả năng về các cuộc đàm phán sớm giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có khả thi hay không và liệu chúng có thể giúp sửa chữa mối quan hệ đang rơi vào khủng hoảng gần như trên mọi mặt này hay không.
Bắc Kinh đã kêu gọi hai nước nối lại liên lạc bình thường sau 4 năm chính quyền Trump áp dụng cách tiếp cận cứng rắn, phá vỡ các chuẩn mực với Trung Quốc. Trong những tháng cuối nhiệm kỳ, ông liên tục gây sức ép với Trung Quốc trước hàng loạt vấn đề như Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan và Biển Đông.
Cơ hội để Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập gặp nhau trong năm nay có thể xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome, Italy, vào tháng 10. Lần gần đây nhất hai người cùng ngồi xuống thảo luận là vào tháng 9/2015, khi ông Tập thăm Washington dưới chính quyền Barack Obama.
Vừa bắt đầu nhiệm kỳ không lâu, Tổng thống Biden đã nhớ lại một cuộc trò chuyện với Chủ tịch Tập trong chuyến công du Trung Quốc hồi năm 2011, khi đó, ông đã nói với Chủ tịch Trung Quốc rằng Mỹ luôn quan tâm tới “các khả năng”. Biden không kết nối câu chuyện này với những căng thẳng hiện nay nhưng Bắc Kinh vẫn luôn theo dõi mọi dấu hiệu về con đường tương lai của mối quan hệ song phương, chuyên gia nhận định.
Không lâu trước lễ nhậm chức của Tổng thống Biden, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng câu trả lời của Chủ tịch Tập cho một lá thư từ cựu chủ tịch Starbucks Howard Schultz. Qua thư, ông kêu gọi chuỗi cà phê này đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại, thể hiện mong muốn cải thiện quan hệ với chính quyền Mỹ mới.
Căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đang rơi xuống mức thấp nhất từ trước tới nay trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết liệt chống lại trật tự thế giới do Mỹ dẫn dắt, còn tại Washington, quan điểm chống Trung Quốc ngày càng trở nên cứng rắn hơn.
Giới phân tích nhận định ông Tập sẽ là người hăng hái nối lại đàm phán hơn nhằm chống lại đà chia rẽ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong khi Tổng thống Mỹ Biden trước mắt sẽ tập trung hơn vào các ưu tiên trong nước như ứng phó với đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng kinh tế và căng thẳng sắc tộc.
Quan điểm của Mỹ về Trung Quốc cũng đã bị mài nhọn ngay từ khi Biden còn là phó tổng thống và Mỹ ít khả năng muốn quay trở lại cách tiếp cận hòa hoãn, nhân nhượng bởi thực tế cho thấy nó không thể giúp thay đổi Bắc Kinh.
Zhao Minghao, nhà nghiên cứu tại Đại học Thanh hoa, cho rằng ảnh hưởng của mối quan hệ cá nhân giữa Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Mỹ đã suy yếu và mọi cuộc thảo luận đều có cơ hội diễn ra trong môi trường đa phương nhưng không thực sự rõ ràng.
“Vai trò của ngoại giao nguyên thủ quốc gia đối với quan hệ Mỹ – Trung đã liên tục suy giảm trong 10 năm qua”, Zhao nói. “Chủ tịch Tập và Tổng thống Biden không còn lạ gì nhau. Nhưng sự quen thuộc đó vừa có thể là tài sản quý giá nhưng cũng có thể là gánh nặng, đặc biệt khi Biden bị công kích ngay trên sân nhà vì tỏ ra yếu thế trước Trung Quốc”.
“Quan hệ Mỹ – Trung đang xấu đi và rất khó để hai nguyên thủ gặp nhau song phương. Cơ hội để cả hai tổ chức các cuộc gặp song phương sẽ lớn hơn nếu diễn ra trong khuôn khổ đa phương, ví dụ G20 hay bất kỳ hội nghị thượng đỉnh nào về chống Covid-19 ở tương lai. Và họ ít có khả năng gặp nhau trong tương lai gần”, Zhao dự đoán.
John Lee, chuyên gia cấp cao tại Viện Hudson, nhận định Chủ tịch Tập muốn nói chuyện với Tổng thống Biden càng sớm càng tốt để thúc đẩy mối quan hệ thoát khỏi căng thẳng. Và ngay cả khi không có các cuộc điện đàm sớm, hai người vẫn có thể trao đổi nếu họ gặp nhau tại các sự kiện, như G20.
“Ông Tập sẽ nhanh chóng nhận ra rằng ông Biden sẽ không quay trở lại với những cách tiếp cận dưới thời Obama khi đương đầu với các vấn đề liên quan đến Trung Quốc”, Lee đánh giá. “Cách tiếp cận của Biden sẽ ít mang tính đối nghịch công khai hơn so với Trump nhưng sẽ tiếp tục gây áp lực trước các vấn đề tương tự” chính quyền tiền nhiệm.
Dưới thời tổng thống Trump, Trung Quốc và Mỹ căng thăng trên hầu như mọi mặt trận, từ thương mại, công nghệ đến nhân quyền hay hệ tư tưởng.
Theo Denny Roy, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Đông – Tây ở Hawaii, Chủ tịch Tập sẽ muốn đối thoại với Tổng thống Biden về các vấn đề như biến đổi khí hậu và tìm cách đưa quan hệ kinh tế trở lại thời điểm trước chính quyền Trump. Tuy nhiên, Biden sẽ muốn tập trung vào những vấn đề gây tranh cãi hơn như nhân quyền hay các cáo buộc về việc Trung Quốc đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ.
Hợp tác sẽ trở nên khó khăn hơn bởi giờ đây trong mắt người Mỹ, Trung Quốc đã phản bội lại niềm tin rằng họ sẽ chấp nhận tự do hóa và các chuẩn mực quốc tế. Về phía Trung Quốc, giới tinh hoa chính trị nước này lại nghĩ rằng Mỹ không khoan nhượng vì lo ngại sức mạnh của Bắc Kinh hơn là hành vi, Roy cho hay.
“Bối cảnh đã thay đổi hoàn toàn kể từ thời Obama”, Roy nói. “Vì coi nhau là những mối đe dọa an ninh nên hai nước sẽ nghĩ nhiều về lợi ích tương đối hơn là lợi ích tuyệt đối. Đặc biệt, Mỹ nhiều khả năng sẽ từ chối những mối quan hệ hợp tác dù ở đó họ có lợi nhằm ngăn Trung Quốc đạt được lợi ích”.
Theo Wei Zongyou, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Phục Đán, sau “4 năm quan hệ xói mòn”, điều cần thiết lúc này là “hạ thấp giọng điệu chỉ trích từ cả hai phía”.
Vũ Hoàng (Theo SCMP) – VnExpress