Kết quả điều tra mới đây chỉ ra Trung Quốc là quốc gia đóng vai trò hàng đầu trong việc thúc đẩy truyền bá thuyết âm mưu về Covid-19.
Kết quả điều tra 9 tháng của Phòng nghiên cứu pháp lý kỹ thuật số (DFRL) thuộc tổ chức nghiên cứu Atlantic Council, dựa trên phân tích hàng triệu bài báo và bài đăng mạng xã hội, cho thấy Trung Quốc dẫn đầu việc truyền bá thông tin sai lệch về nguồn gốc đại dịch, tiếp đó là Mỹ, Nga và Iran. Điều tra dựa trên phân tích hàng triệu bài báo và bài đăng mạng xã hội như Twitter, Facebook, Weibo, WeChat, YouTube.
Bắc Kinh nhiều tuần “khẩu chiến” qua lại với các lãnh đạo hàng đầu của đảng Cộng hòa Mỹ, gồm cựu phó tổng thống Donald Trump, người luôn xem nCoV là “virus Trung Quốc”. Các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng tích cực hoạt động trên nền tảng mạng xã hội phương Tây, khi tăng gấp ba số tài khoản Twitter và gấp hai số tài khoản Facebook kể từ cuối năm 2019.
Một ngày sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định Covid-19 là đại dịch, Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đăng hàng loạt bài đêm khuya, khởi động chiến dịch truyền bá thông tin sai lệch.
“Bệnh nhân số 0 của Mỹ được phát hiện khi nào?”, Triệu Lập Kiên đăng Twitter hôm 12/3/2020. “Bao nhiêu người đã nhiễm? Tên các bệnh viện là gì? Có thể chính lính Mỹ đã mang đại dịch tới Vũ Hán. Hãy minh bạch! Hãy công khai dữ liệu. Mỹ nợ chúng tôi một lời giải thích”.
Những chuyện xảy ra sau đó cho thấy sức mạnh “cỗ máy truyền bá thông tin” toàn cầu của Trung Quốc. Chỉ riêng Twitter, 11 bài đăng trong ngày 12 và 13/3 được trích dẫn hơn 99.000 lần trong 6 tuần sau đó, với ít nhất 54 ngôn ngữ khác nhau, theo phân tích của DFRL.
Trang tin Global Times và ít nhất 30 tài khoản ngoại giao của Trung Quốc, từ Pháp tới Panama, đã hỗ trợ thúc đẩy thông tin từ ông Triệu. Ngoại trưởng Venezuela và phóng viên RT ở Caracas, cũng như các tài khoản thân cận với hoàng gia Arab Saudi cũng giúp truyền bá các thông tin của người phát ngôn Trung Quốc bằng tiếng Tây Ban Nha và Arab.
Các hashtag phổ biến trong loạt bài đăng của Triệu Lập Kiên cũng được xem 314 triệu lần trên nền tảng mạng xã hội Trung Quốc Weibo. Vào đêm muộn ngày 13/3, Triệu đăng Weibo rằng “cảm ơn sự ủng hộ của các bạn, chúng ta hãy cùng nỗ lực hết mình vì tổ quốc”.
Mười ngày sau bài đăng đầu tiên của Triệu, “cỗ máy truyền thông toàn cầu” của Trung Quốc bắt đầu khởi động.
“Liệu có phải chính phủ Mỹ cố tình che giấu sự thật về Covid-19 bằng bệnh cúm mùa?”, một bài luận trên China Radio International tháng 3/2020 đặt câu hỏi. “Tại sao Viện nghiên cứu quân y Mỹ về bệnh truyền nhiễm tại Fort Detrick ở bang Maryland, cơ sở thử nghiệm sinh hóa lớn nhất, đóng cửa tháng 7/2019?”.
Chỉ trong vài ngày, các phiên bản khác nhau của bài viết này đã xuất hiện hơn 350 lần trên các trang tin nhà nước Trung Quốc, không chỉ bằng tiếng Trung mà còn có tiếng Anh, Pháp, Italy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Arab.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp cũng thúc đẩy thông tin này trên Twitter và Facebook. Nó cũng xuất hiện trên các nền tảng khác như YouTube, Weibo, WeChat, cũng như Douyin, mạng TikTok của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc luôn lên tiếng bác bỏ việc truyền bá thuyết âm mưu về Covid-19. “Chúng tôi chưa từng làm điều này và sẽ không bao giờ làm. Thông tin sai lệch là kẻ thù chung của nhân loại và Trung Quốc luôn phản đối việc tạo ra và lan truyền chúng”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một tuyên bố.
Thanh Tâm (Theo SCMP) – VnExpress