Quốc hội Trung Quốc công bố kế hoạch toàn diện nâng cấp năng lực sản xuất với 8 lĩnh vực ưu tiên nhằm tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu.
“Chúng ta phải giữ tỷ trọng sản xuất ổn định trong nền kinh tế nói chung và nâng cao lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc trong các lĩnh vực này”, chính phủ Trung Quốc cho biết trong kế hoạch 5 năm dài 142 trang được giới thiệu với gần 3.000 thành viên Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, tức quốc hội, trong phiên họp ngày 5/3.
Kế hoạch này tập trung vào 8 lĩnh vực gồm đất hiếm và vật liệu đặc biệt, robot, động cơ máy bay, phương tiện năng lượng mới và ô tô thông minh, thiết bị y tế và phát minh y học như vaccine, máy móc nông nghiệp, thiết bị sử dụng trong các ngành đóng tàu, hàng không và đường sắt cao tốc, cùng các ứng dụng công nghiệp của hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu Bắc Đẩu.
Trung Quốc nhấn mạnh vào sản xuất tiên tiến trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14, trong đó nêu ra các mục tiêu phát triển và kinh tế giai đoạn 2021-2025, phản ánh quyết tâm của chính phủ nước này trong theo đuổi chuyển đổi công nghệ cao trong lĩnh vực trên.
Điều này giúp bù đắp chi phí sản xuất ngày càng tăng, củng cố vị thế quốc gia của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và nâng cao khả năng cạnh tranh với Mỹ.
Trung Quốc công bố chiến lược sản xuất mới trong bối cảnh Thượng viện Mỹ được cho là đang xem xét dự luật mới với gói hỗ trợ 30 tỷ USD nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh với Trung Quốc. Các nghị sĩ Mỹ đặt mục tiêu đưa vào gói hỗ trợ các yếu tố khác để thúc đẩy lĩnh vực công nghệ của nước này, dự kiến bỏ phiếu thông qua vào tháng 4.
Trong kế hoạch 5 năm mới, Trung Quốc đặt mục tiêu khắc phục các khâu yếu kém trong các lĩnh vực chính, phần mềm, vật liệu và hệ thống cơ bản.
Kế hoạch cho biết Trung Quốc sẽ phát triển chuỗi giá trị công nghiệp “sáng tạo hơn, an toàn hơn với giá trị gia tăng cao hơn”, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh trong “đường sắt tốc độ cao, thiết bị điện, năng lượng mới và đóng tàu”. Kế hoạch cũng cho biết “các bộ phận quan trọng của chuỗi giá trị” phải nằm tại Trung Quốc.
Sản xuất chiếm 33% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc nửa đầu năm 2020, được coi là xương sống của nền kinh tế công nghiệp. Trung Quốc vẫn đứng đầu thế giới trong sản xuất và được mệnh danh là “công xưởng của thế giới” sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001.
Dự thảo kế hoạch 5 năm kỳ vọng “các ngành công nghiệp non trẻ” của Trung Quốc sẽ tăng đáng kể giá trị kinh tế và chiếm 17% GDP của cả nước trong giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch cũng thúc đẩy tốc độ triển khai mạng di động 5G để tăng tỷ lệ người dùng lên đến 56% trong giai đoạn này.
Quốc hội Trung Quốc khai mạc kỳ họp ngày 5/3. Trong phiên khai mạc, Thủ tướng Lý Khắc Cường công bố mục tiêu tăng trưởng “trên 6%”trong năm 2021. Ông Lý nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới công nghệ trong tạo ra lợi ích cho nhiều ngành công nghiệp, 23 lần nhắc đến “công nghệ” trong báo cáo chính phủ năm nay, nhiều hơn năm ngoái 9 lần.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP) – VnExpress