Nếu vòng loại World Cup và AFF Cup cùng diễn ra vào cuối năm, VFF có nên xem xét khả năng cử đội U23 thay tuyển quốc gia dự giải khu vực?
Ba tháng cuối năm 2020 sẽ là giai đoạn căng thẳng nhất với tuyển Việt Nam và các đối thủ Đông Nam Á khi những trận quyết định vòng loại hai World Cup 2022 và AFF Cup nhiều khả năng diễn ra gần thời điểm. Điều đó sẽ khiến tuyển Việt Nam khó có được sự tập trung cùng phong độ tốt nhất cho cả hai mặt trận.
Người Thái đã tính tới phương án cử đội U23 dự AFF Cup để tuyển quốc gia tập trung đá vòng loại World Cup.
Vậy còn Việt Nam, chúng ta có sẵn sàng cho điều đó?
Vòng loại World Cup và AFF Cup, giải nào quan trọng hơn?
Trong hợp đồng gia hạn của HLV Park Hang-seo với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), có cả hai yêu cầu bảo vệ ngôi vương AFF Cup và vào vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á. Cả hai đều là những mục tiêu chiến lược, cần đạt được của bóng đá Việt Nam.
Trước khi dịch bùng phát, vòng loại hai World Cup dự kiến khép lại vào tháng 6, còn AFF Cup chỉ bắt đầu từ tháng 10. Tuy nhiên, đại dịch đã buộc Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC) lùi lịch vòng loại. Khả năng cao, 2 sự kiện ấy sẽ diễn ra cùng vào thời điểm cuối năm. Tình thế mới buộc VFF phải nghiêm túc suy nghĩ.
Trong quá khứ, VFF nhiều lần nghiêng về Đông Nam Á mỗi khi phải chọn giữa đấu trường khu vực và châu lục. Trước thềm SEA Games 2013, liên đoàn giao trợ lý Nguyễn Văn Sỹ dẫn dắt đội tuyển đá vòng loại Asian Cup để HLV trưởng Hoàng Văn Phúc chuẩn bị SEA Games. Năm ngoái, VFF tiếp tục từ chối khi ông Park ngỏ ý muốn trợ lý dẫn dắt đội U23 đá SEA Games để bản thân mình tập trung cho vòng loại World Cup.
Lựa chọn của VFF trong quá khứ có phần hợp lý khi bóng đá Việt Nam chưa vươn khỏi phạm vi khu vực. AFF Cup hay SEA Games khi đó vẫn là khát khao lớn của nền bóng đá.
Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại đã thay đổi. Thành công liên tiếp trong thời gian qua cho thấy bóng đá Việt Nam đủ sức cho tham vọng châu lục. Giờ là lúc VFF phải chọn lại. Đâu là ưu tiên số một của họ? Châu lục hay khu vực?
Đương nhiên, lựa chọn nào cũng có hai mặt lợi, hại.
Được gì nếu lứa U23 dự AFF Cup?
Nếu VFF chấp nhận việc này, những chàng trai U23 Việt Nam là người đầu tiên hưởng lợi. Thất bại tại giải châu Á hồi đầu năm cho thấy khoảng trống cực lớn ở đội U23 sau khi thế hệ 1997 của Quang Hải nói lời chia tay. Được cọ xát ở AFF Cup sẽ là cơ hội lớn cho họ nâng cao trình độ, đồng thời là sự chuẩn bị không thể tuyệt vời hơn cho kỳ SEA Games sẽ diễn ra sau đó một năm tại Hà Nội.
Cùng với đội U23, tuyển quốc gia của HLV Park Hang-seo cũng hưởng lợi lớn. Quang Hải và đồng đội sẽ toàn tâm toàn ý tập trung cho mục tiêu giành vé tới vòng loại ba World Cup 2022 châu Á. Tuyển Việt Nam hiện dẫn đầu bảng G với 11 điểm. Nếu được tạo điều kiện, họ hoàn toàn đủ khả năng duy trì ưu thế, giành vé tới vòng loại cuối.
Vòng loại cuối World Cup là điều bóng đá Việt Nam chưa từng làm được trong lịch sử. Góp mặt tại đây thậm chí vinh quang hơn chiến thắng AFF Cup đồng thời hứa hẹn mở ra những trang sử mới.
Quan trọng hơn, việc chấp nhận cử đội U23 đi AFF Cup sẽ tạo ra một tiền lệ. Khi phải chọn giữa khu vực và châu lục, các thế hệ sau có thể dũng cảm đi tới sân chơi cao hơn.
Chia sẻ với Zing.vn, HLV Nguyễn Thành Vinh, cựu trợ lý của Alfred Riedl ở U23 Việt Nam, cho rằng: “U23 đá AFF Cup và chuẩn bị cho SEA Games sang năm là hợp lý nhất vì ta vừa vô địch AFF Cup rồi, năm nay ta chỉ cần cho các cháu thử lửa thôi. Làm được điều đó, ta sẽ có cuộc rèn quân cực tốt về mặt tinh thần, kỹ năng, tư duy, chiến thuật, trách nhiệm cho lứa U23 trước SEA Games”.
Tại Đông Nam Á, Thái Lan là nước đi đầu trên con đường này. HLV Kiatisak Senamuang từng 2 lần cử trợ lý dẫn dắt đội U23 đá SEA Games còn bản thân tập trung cho vòng loại World Cup hồi 2015 và 2017.
Tại AFF Cup 2018, người Thái cũng không gọi về hàng loạt ngôi sao ở nước ngoài để thoải mái dùng họ ở Asian Cup. Thời đại mới đòi hỏi tư duy cấp tiến. Một nền bóng đá sẵn sàng hướng tới đỉnh cao mới tạo ra động lực cho những tiến bộ sau này.
Mất gì nếu U23 dự AFF Cup?
Chiều ngược lại, Việt Nam cũng phải đối diện với những tổn thất đáng kể.
Ảnh hưởng tiêu cực đầu tiên là thành tích. Trước những ông lớn khu vực như Malaysia, Indonesia, U23 Việt Nam khó lòng bảo vệ thành công ngôi vương. Chuỗi chiến thắng liên tếp của bóng đá Việt Nam ở đấu trường khu vực sẽ bị chặn lại.
Cộng thêm thất bại vừa qua của đội U23 ở châu Á, một thất bại nữa tại AFF Cup chắc chắn không phải là điều VFF hay ông Park muốn có trong năm 2020. Không chiến thắng nghĩa là không danh hiệu, không tiền thưởng nhưng thêm nhiều chỉ trích. Ở một nền bóng đá mà chiến thắng luôn được đề cao như Việt Nam, áp lực dành cho VFF sẽ rất nặng nề.
Với Đông Nam Á, quyết định cử đội U23 đi AFF Cup của Việt Nam sẽ khiến giải đấu bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu Thái Lan vẫn hành động như 2 năm trước, hai đội tuyển mạnh nhất khu vực đều sẽ tới giải đấu bằng đội hình hai. Đó chắc chắn không phải viễn cảnh Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) và những nhà tài trợ muốn thấy.
Việt Nam cử đội U23 đi AFF Cup rõ ràng là một giải pháp dài hạn và đòi hỏi nhiều hy sinh. Ngay cả khi làm thế, chẳng có gì đảm bảo tuyển Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu tại vòng loại World Cup. Thất bại của Thái Lan ở vòng loại World Cup 2018 hay Asian Cup 2019 là những ví dụ rất gần.
Thanh Hà – Zing