Cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 của WHO vấp nhiều trở ngại ngay từ khi bắt đầu và kết quả cuối cùng cũng chưa thể làm hài lòng dư luận.
Nhóm nhà khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tháng trước họp cùng các đối tác Trung Quốc để thống nhất kết luận cho câu hỏi đại dịch Covid-19 bắt đầu như thế nào. Cuộc họp diễn ra sau cuộc điều tra chung kéo dài bốn tuần tại Vũ Hán, thành phố đầu tiên nCoV xuất hiện. Nhiều người đã hy vọng cuộc điều tra của WHO có thể mang tới những câu trả lời rõ ràng hơn cho thế giới về nguồn gốc đại dịch.
Cuộc họp đã rút ra kết luận: Virus có thể truyền sang người từ động vật, cần nghiên cứu thêm liệu nó có lây lan qua thực phẩm đông lạnh hay không, và khả năng nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm “cực kỳ khó xảy ra”.
Tuy nhiên, một tháng sau, khi nhóm của WHO hoàn thành báo cáo cuối cùng về sứ mệnh ở Vũ Hán, một cuộc điều tra của Wall Street Journal đã phát hiện những thông tin mới về cách thành lập đội điều tra cũng như quyền hạn hạn chế của các nhà khoa học, đồng thời dấy lên nghi vấn đề tính minh bạch của kết quả điều tra.
Cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 có một khởi đầu không suôn sẻ, khi giới chức Vũ Hán đã thuê công ty khử trùng chợ hải sản Hoa Nam, nơi liên quan tới những ca bệnh đầu tiên vào tháng 12/2019. Nhiều nhân chứng cho biết trong chợ có động vật sống, nhưng quan chức địa phương ban đầu nói họ chỉ tìm thấy các mẫu đông lạnh và không mẫu nào dương tính với nCoV.
Trung Quốc đã chống lại áp lực điều tra quốc tế, khi cho rằng đây là nỗ lực đổ lỗi cho họ, đồng thời trì hoãn điều tra trong nhiều tháng. Trong khi đó, những khẳng định ban đầu của chính quyền cựu tổng thống Donald Trump rằng virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm Trung Quốc đã cản trở nỗ lực ngoại giao để khiến Bắc Kinh cho phép tiến hành một cuộc điều tra cặn kẽ hơn.
Nhiều nhà khoa học khi đó cảnh báo thời gian càng trôi qua, cuộc điều tra sẽ càng khó khăn. Các chính phủ châu Âu đã soạn thảo nghị quyết kêu gọi điều tra độc lập để bỏ phiếu ở Đại hội đồng Y tế Thế giới, cơ quan ra quyết định của WHO. Nghị quyết được thông qua vào tháng 5, nhưng không chỉ định thời gian. Một số quốc gia muốn điều tra ngay lập tức, nhưng Trung Quốc phản đối, theo quan chức Mỹ.
10 ngày sau, Trump thông báo rút Mỹ khỏi WHO. Tuy nhiên, giới chức Mỹ vẫn muốn giúp định hình cuộc điều tra và vạch ra con đường để làm điều đó. Mỹ có một ghế trong hội đồng điều hành WHO cho tới năm 2021. Tuy nhiên, hội đồng gồm 34 thành viên đã không được tham vấn để đàm phán các điều khoản điều tra.
Thay vào đó, WHO trao đổi trực tiếp về chi tiết cuộc điều tra với Trung Quốc. Quan chức Mỹ đã thúc giục WHO tham vấn hội đồng nhưng không thành công. “Đây là tình huống có một không hai. Cách làm việc thông thường sẽ không còn phù hợp”, quan chức này nói.
Lawrence Gostin, người đứng đầu Viện O’Neil về Luật Y tế Quốc gia và Toàn cầu tại Đại học Georgetown, từng là cố vấn cho WHO, cho biết việc tham vấn hội đồng đáng lẽ có thể giúp tăng cường đáng kể quyền lực chính trị của WHO.
WHO đã yêu cầu Mỹ giới thiệu chuyên gia cho nhóm điều tra, nhưng đã không liên hệ với ba người mà Washington đề xuất, theo nhiều quan chức Mỹ. Một nhà khoa học người Mỹ khác đã được lựa chọn tham gia sứ mệnh của WHO là Peter Daszak, nhà động vật học và chủ tịch EcoHealth Alliance, tổ chức phi lợi nhuận ở New York.
Daszak là người có kinh nghiệm “săn” nguồn gốc của virus gây bệnh cho người từ động vật, trong đó có 16 năm làm việc với các nhà khoa học Trung Quốc. Ông từng là thành viên nhóm xác định dơi là nguồn gây bệnh SARS. Tuy nhiên, một số quan chức và nhà khoa học Mỹ lo ngại công việc của Daszak ở Trung Quốc sẽ tạo ra xung đột lợi ích với cuộc điều tra.
EcoHealth từng tài trợ cho Viện Virus học Vũ Hán (WIV) trong nhiều năm theo chương trình của Viện Y tế Quốc gia Mỹ. WIV là tâm điểm cáo buộc của chính quyền Trump về nguồn gốc Covid-19.
Ngày 5/1, một số thành viên bắt đầu chuyến đi, nhưng quan chức Trung Quốc ngày hôm đó nói chưa thống nhất với WHO. Ít nhất một thành viên trong đoàn đã phải quay về giữa chuyến đi.
“Tôi thật sự thất vọng với thông tin này”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói tại một cuộc họp báo sau đó. Sáu ngày sau, Bắc Kinh thông báo nhóm điều tra sẽ được phép tới Vũ Hán vào 14/1.
Khi 15 thành viên chuẩn bị bay từ Singapore hôm 14/1, giới chức Trung Quốc đã chặn hai người trong nhóm sau khi xét nghiệm dương tính với kháng thể Covid-19. Cả hai đều cho kết quả âm tính trong nhiều xét nghiệm PCR sau đó.
13 thành viên còn lại của nhóm tới Vũ Hán và trải qua hai tuần cách ly ở khách sạn trước khi bắt đầu cuộc điều tra. Ngày 28/1, một năm kể từ khi Tổng giám đốc WHO thảo luận về cuộc điều tra với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhóm điều tra mới bắt đầu các chuyến đi thực địa và làm việc trực tiếp với đối tác Trung Quốc.
Ngoài thời gian nghiên cứu theo lịch trình được sắp xếp, họ phần lớn phải ở khách sạn do quy định kiểm soát dịch và không được ăn chung với những đồng nghiệp Trung Quốc. Liên lạc của họ với người ngoài nhóm đều bị hạn chế.
Ngày đầu tiên nhóm tới thăm một bệnh viện, nơi họ gặp bác sĩ mà Bắc Kinh xem là người đầu tiên đưa cảnh báo về bệnh viêm phổi lạ trên các kênh chính thức. Ngày tiếp theo, nhóm tới thăm một triển lãm kỷ niệm “chiến thắng quyết định trong cuộc chiến chống Covid-19”, ca ngợi vai trò lãnh đạo của ông Tập. Ngày thứ ba, nhóm tới thăm chợ Hoa Nam và một chợ đầu mối khác để kiểm tra các cơ sở đông lạnh mà Bắc Kinh nói có thể lây lan virus.
“Mọi người nghĩ bạn có thể đi đến một quốc gia bất kỳ và nói rằng ‘tôi muốn xem cái này cái kia’. Tôi không nghĩ ngoại giao hoạt động theo cách đó”, Dominic Dwyer, nhà vi sinh vật người Australia và là thành viên nhóm nghiên cứu, nói.
Giữa các chuyến thăm thực địa, nhóm điều tra cho biết họ tổ chức các cuộc họp trực tiếp với đối tác Trung Quốc. Nhóm cũng có thể tới thăm những địa điểm mà họ yêu cầu như ba phòng thí nghiệm và những dữ liệu mà Trung Quốc đã tổng hợp.
Tuy nhiên, khi nhóm yêu cầu truy cập dữ liệu thô về các bệnh nhân, đặc biệt là những ca nhiễm đầu tiên, phía Trung Quốc đã từ chối. Các thành viên Trung Quốc đã chỉ ra rằng virus có thể đã lây lan ở các nước khác từ cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2019, đồng thời đề nghị WHO nên xem xét liệu đại dịch có bắt nguồn từ bên ngoài nước này hay không. WHO hiện chưa thông báo kế hoạch điều tra nào ở các quốc gia khác.
“Không khí đôi lúc trở nên rất căng thẳng”, Thea Fischer, nhà dịch tễ học Đan Mạch trong nhóm điều tra, nói. “Tôi là nhà khoa học và tôi chỉ tin vào dữ liệu. Tôi không tin vào bất kỳ điều gì người khác nói với tôi”.
Căng thẳng gia tăng sau bài thuyết trình của đại diện ngân hàng máu Vũ Hán. Thành viên nhóm điều tra đã thúc ép họ cung cấp mẫu máu từ trước tháng 12/2019 mà họ xem là cách tốt nhất để xác định giả thuyết virus có thể lây lan ở Trung Quốc sớm hơn.
“Chúng tôi nói các ngài sẽ quay lại xem xét những mẫu máu cũ hơn chứ? Họ trả lời ‘có nhiều yêu cầu về quy trình cho điều đó'”, Dwyer nói. Ông nhớ lại đã tranh luận rằng các quốc gia có quyền bảo vệ quyền riêng tư của người hiến máu, nhưng cũng có cơ chế cho phép tiếp cận các mẫu máu trong trường hợp khẩn cấp. Nhóm điều tra cho biết phía Trung Quốc sau đó hứa hẹn sẽ cho phép kiểm tra những mẫu máu đông lạnh từ trước tháng 12/2019.
Trong chuyến thăm Viện Virus học Vũ Hán hôm 3/2, tiến sĩ Daszak đã hỏi các nhà nghiên cứu của WIV lý do một cơ sở dữ liệu về virus của viện bị gỡ sau khi công bố. Nhà nghiên cứu nổi tiếng Thạch Chính Lệ cho biết viện phải gỡ cơ sở dữ liệu này sau khoảng 3.000 vụ tấn công mạng.
Sau cuộc họp để thống nhất kết quả điều tra, nhóm của WHO rời Vũ Hán. Một số thành viên đã nói với báo giới rằng họ không có thẩm quyền, chuyên môn hoặc quyền truy cập để kiểm tra toàn bộ WIV hoặc bất kỳ cơ sở nghiên cứu nào khác. Một số nói rằng họ thậm chí không thể tiếp cận dữ liệu thô hoặc ghi chép về an toàn, nhân sự, thí nghiệm, những yếu tố được xem là cần thiết cho một cuộc điều tra đầy đủ.
“Chúng tôi không được xem dữ liệu thực tế ở đó. Sẽ thật tốt nếu được xem chúng, đặc biệt là về việc xét nghiệm nhân viên của họ. Nhưng điều đó đã không thành công”, Dwyer nói.
Thanh Tâm (Theo WSJ) – VNexpress