‘Việt Nam triển khai bốn phương thức cách ly’

Bốn địa điểm cách ly gồm tập trung tại doanh trại, cơ sở y tế, đơn vị lưu trú và gia đình đã được triển khai để chống dịch ở Việt Nam.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam báo cáo trước Thường vụ Quốc hội nội dung trên trong phiên làm việc sáng 23/3. 

Theo ông, giai đoạn đầu chống Covid-19, Việt Nam kiểm soát chặt chẽ nhập cảnh và áp dụng cách ly tập trung nên đã sàng lọc, phát hiện sớm, điều trị kịp thời những người mắc nCoV.

Tuy nhiên, đến giai đoạn sau, việc phát hiện sớm gặp khó khăn. Từ khi dịch bùng phát ở châu Âu, Mỹ tới nay đã có hàng trăm chuyến bay chở hành khách nhập cảnh Việt Nam từ các quốc gia, khu vực có dịch. Những người nhập cảnh sau đó đã đi qua nhiều địa phương, tiếp xúc với hàng trăm nghìn người trong nước, nên mỗi khi phát hiện một ca nhiễm bệnh, việc truy vết để tìm ra các trường hợp nguy cơ lây nhiễm hết sức khó khăn.

“Lực lượng chức năng phải dùng nhiều biện pháp, áp dụng công nghệ để xác định vị trí các trường hợp tiếp xúc với người nhiễm bệnh để cách ly, xét nghiệm”, Phó thủ tướng nói.

Ông cũng cho biết, trong bốn hình thức cách ly đang áp dụng, các doanh trại của quân đội có khả năng tiếp nhận 60.000 người. Từ ngày 20/3, Thủ tướng yêu cầu cách ly tập trung với người nhập cảnh từ tất cả các nước, việc kiểm soát dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài “bớt khó khăn hơn”. Nhưng đã có hơn 350.000 người nhập cảnh vào Việt Nam (trong đó gần 100.000 người từ Mỹ và châu Âu). Thời gian tới vẫn còn người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao, công vụ, chuyên gia… nên Việt Nam cần tiếp tục có hình thức cách ly phù hợp.

“Mặc dù đã chủ động tuyên truyền để người Việt Nam hạn chế về nước, nhưng nếu trong nước kiểm soát tốt dịch bệnh, sẽ có rất nhiều người Việt Nam muốn về. Trong số đó, không ít người có thể đã nhiễm bệnh”, Phó thủ tướng nói và nhấn mạnh thực tế này đòi hỏi tiếp tục triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch để tránh gây quá tải cho cơ sở cách ly tập trung và năng lực điều trị.

Thời gian tới, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ, năng lực xét nghiệm, đồng thời huy động người dân phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm ngay từ khi nhập cảnh, trong khu cách ly và cộng đồng. 

Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Quốc phòng khẩn trương trang bị thêm 30 phòng xét nghiệm di động và tập huấn cán bộ phục vụ công tác này. 

Theo nhận định của một số chuyên gia, giai đoạn đầu, Việt Nam được dự báo có hàng nghìn ca nhiễm và nhiều ca tử vong. Giai đoạn hai, khi dịch lan sang châu Âu, Việt Nam sẽ có 600 đến 4.000 người nhiễm nCoV; 40 đến 160 người tử vong. 

Tuy nhiên, hiện Việt Nam có 113 ca nhiễm, trong đó 17 người được chữa khỏi. Hiện đa số người bệnh sức khoẻ tốt, 4 người bệnh nặng đang phải thở máy do cao tuổi và có bệnh nền.  

Khẳng định “đến nay, về cơ bản, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh”, tuy nhiên Phó thủ tướng nhìn nhận “phía trước còn nhiều khó khăn và không ít rủi ro”. Ông nhấn mạnh Việt Nam cần có giải pháp phù hợp với thực tiễn dịch bệnh nguy cơ lây lan trong cộng đồng; đồng thời kiên trì nguyên tắc chống dịch bằng ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị phân tán… 

Bộ Y tế đã xây dựng 5 kịch bản chống dịch: cấp độ một, có người mắc bệnh; cấp độ hai, lây nhiễm thứ phát trong nước; cấp độ ba, hơn 20 người nhiễm; cấp độ bốn, dịch lây lan trong cộng đồng từ 1.000 đến 3.000 người nhiễm; cấp độ năm, dịch lây lan trên diện rộng với 30.000 người nhiễm. 

“Tinh thần là phải tính đến tình huống xấu nhất để tình huống đó không xảy ra”, Phó thủ tướng nói và cho biết, Bộ Y tế thường xuyên cập nhật, hoàn thiện các kịch bản phù hợp với diễn biến dịch. 

Sau khi nghe báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Thường vụ Quốc hội đánh giá cao kết quả phòng, chống Covid-19 thời gian qua; đồng thời đề nghị Chính phủ tăng ngân sách dự phòng cho chống dịch bệnh. 

Theo bà, mỗi ngày các hàng nghìn chiến sĩ đang phải ngủ lều bạt giữa rừng để kiểm soát biên giới; nhường chăn gối cho người về nước trong cơ sở cách ly. Mới đây, 300 bác sĩ, y tá về hưu tại Hà Nội tình nguyện tham gia chống dịch. “Đó là những hình ảnh rất ấn tượng về những người ở tuyến đầu chống dịch”, Chủ tịch Quốc hội nói

Theo bà Ngân, nếu dịch bệnh kéo dài đến cuối tháng 4 thì kỳ họp giữa năm của Quốc hội cũng sẽ “được tính toán lại”.

Viết Tuân – VnExpress

Leave a Reply