‘Vô nhân tính’ – VĐV tố nạn bạo hành trong huấn luyện ở Trung Quốc

Bị đấm vào mặt, đánh bằng gậy bóng chày, không cho uống nước, bóp cổ và lạm dụng tình dục là những gì các vận động viên nhí thường trải qua.

Jessica Shuran Yu, là một vận động viên trượt băng sinh ra, lớn lên và được đào tạo tại Trung Quốc. Cô đã tham dự giải vô địch thế giới năm 2017 trước khi giúp huấn luyện vận động viên trượt băng thiếu niên.

“Văn hóa kỷ luật bằng đòn roi” là rất phổ biến ở Trung Quốc. Các vận động viên cũng thường xuyên bị chỉ trích là “lười biếng”, “ngu ngốc”, “thiểu năng”, “vô dụng” và “mập”, cô nói với Guardian.

Yu cho biết cô thường xuyên bị đánh khi phạm lỗi. Cô cũng bị đá mạnh vào cẳng chân bằng mũi giày trượt đến nỗi cô bị chảy máu và vĩnh viễn có một vết sẹo ở đó.

“Các hình phạt bắt đầu từ năm 11 tuổi khi tôi bị yêu cầu đưa tay ra bất cứ khi nào tôi mắc lỗi”, cô Yu nói. “Vào những ngày đặc biệt tồi tệ, tôi sẽ bị đánh hơn 10 lần liên tiếp cho đến khi da tôi sưng đỏ lên và đau đớn”.

“Khi tôi 14 tuổi và trải qua quá trình dậy thì, tôi bắt đầu phải vật lộn với những bước nhảy vì tôi đang tăng cân. Tôi bị gọi đến, bị đá vào xương cẳng chân bằng mũi giày trượt và phải thực hiện lại động tác. Tôi không được phép đi khập khiễng hay khóc”, cô Yu nhớ lại.

“Hầu hết đòn trừng phạt như vậy xảy ra trước mặt những vận động viên trượt băng khác trong sân. Tôi không nói với bất kỳ bạn bè, người lớn nào ở trường hoặc liên đoàn vì tôi vô cùng bẽ mặt. Họ làm tôi cảm thấy mình nhỏ bé và không làm được gì. Thật phi nhân tính”, cô Yu nói thêm.

Tình trạng chung của ngành thể thao

Cô Yu, 19 tuổi, cho biết cô quyết định nói ra sự thật sau khi xem Athlete A, bộ phim tài liệu trên Netflix mô tả vụ bê bối lạm dụng tình dục trong môn thể dục dụng cụ của Mỹ, và đọc các tuyên bố về lạm dụng nhiều mặt trong thể dục dụng cụ của Anh.

Hôm 20/7, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền báo cáo rằng hàng trăm vận động viên nhí ở Nhật Bản cho biết họ đã bị lạm dụng.

Hơn 800 người từng là vận động viên nhí, bao gồm những người ganh đua giành vị trí trong các đội tuyển Olympic và Paralympic Nhật Bản, đã thực hiện cuộc khảo sát dài 67 trang. Họ tham gia 50 môn thể thao từ 45 trong số 47 tỉnh của Nhật Bản.

Báo cáo có tên Tôi bị đánh quá nhiều lần đến nỗi tôi không thể đếm nữa này cho biết nhiều trường hợp bị huấn luyện viên hoặc liên đoàn thể thao trừng phạt thể xác.

Các vận động viên nam và nữ bị đấm vào mặt, đá, đánh bằng gậy bóng chày hoặc gậy kendo, không cho uống nước, bị bóp cổ, bị đánh và bị lạm dụng hoặc quấy rối tình dục.

“Tôi quá mệt mỏi vì bị đánh. Tôi mệt mỏi vì khóc. Đó là lý do tôi không muốn sống trên đời nữa”, một vận động viên ném lao nữ, 17 tuổi và là người Nhật Bản, viết trong lá thư tuyệt mệnh cô đã để lại vào đầu những năm 1980.

Cô Yu cảm thấy cô có thể nói ra sự thật vì mặc dù cô lớn lên ở Trung Quốc và có mẹ là người Trung Quốc, cô đại diện cho Singapore, nơi cha cô sinh ra, thi đấu ở những cuộc thi quốc tế.

Vấn đề liệu Trung Quốc có thúc ép các vận động viên vượt quá giới hạn chấp nhận đã được nhắc đến nhiều lần. Matthew Pinsent, vận động viên chèo thuyền và phát thanh viên nổi tiếng người Anh, từng nói rằng ông đã bị sốc khi thấy việc lạm dụng các vận động viên trẻ trong chuyến thăm trước Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Tuy nhiên, một vận động viên đào tạo trong nước không thể lên tiếng về điều này.

Yu cho biết cô hy vọng rằng với việc Bắc Kinh tổ chức Thế vận hội mùa đông 2022 sau 18 tháng nữa, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) sẽ nhận ra rằng họ có cơ hội để sử dụng sức ảnh hưởng của mình.

Cô cho biết trong các môn thể dục dụng cụ và trượt băng, các em nhỏ phải đặt hai chân lên hai chiếc ghế và một huấn luyện viên sẽ đè xuống để giãn chân ra.

“Trong lớp học của tôi, ai rồi cũng sẽ khóc. Có một người hướng dẫn sẽ đè xuống thêm 10 giây nếu chúng tôi khóc quá nhiều. Tôi nhớ tôi đã nghĩ rằng điều này không đúng chút nào và thứ gì đó có thể rách ra”, cô Yu chia sẻ với Guardian.

IOC cần hành động

Yu cho biết gần đây, khi huấn luyện các vận động viên trẻ Trung Quốc, cô đã chứng kiến họ bị lạm dụng tại một trung tâm đào tạo nổi tiếng ở Bắc Kinh. “Tôi thấy một vận động viên trượt băng bị đánh và kéo ra khỏi sân, trong khi một người khác phải thi đấu với hai dây chằng bị rách và phải phẫu thuật sau đó”.

“Tôi thực sự đau lòng khi biết rằng những hành động lạm dụng này vẫn đang xảy ra. Nhiều vận động viên và huấn luyện viên tin rằng hành vi như vậy là cần thiết và bình thường ở Trung Quốc. Các vận động viên Trung Quốc cũng khó nói ra sự thật. Họ có thể đánh mất vị trí và sự nghiệp của họ có thể kết thúc”, cô Yu nói.

Cô Yu thúc giục IOC nhận ra những cô gái trẻ trong các môn thể thao mang tính thẩm mỹ đặc biệt có nguy cơ bị lạm dụng. Cô cũng kêu gọi họ thiết lập một đường dây nóng chuyên dụng do các chuyên gia bảo vệ trẻ em phụ trách và sử dụng nhiều nguồn lực hơn để thực thi tốt hơn tuyên bố đồng thuận năm 2016 rằng “tất cả vận động viên đều có quyền được đối xử một cách tôn trọng và được bảo vệ khỏi bạo lực”.

“Các môn thể thao có tính thẩm mỹ như thể dục dụng cụ và trượt băng nghệ thuật có môi trường độc hại mà trong đó, người lớn có thể dễ dàng lợi dụng các cô gái trẻ với những giấc mơ lớn. Tôi thực sự tin rằng có một mối tương quan giữa hai môn thể thao. Chúng tôi đều được đánh giá bằng ngoại hình, trang phục, cách trang điểm và tư thế”, cô Yu cho biết.

“Một khi có liên quan đến trình bày và sự hoàn hảo, bạn sẽ được dạy cách quan tâm đến việc người khác nhìn nhận thế nào về bạn, đặc biệt là các giám khảo. Vì vậy, trong tiềm thức, bạn biết rằng nói ra về việc bị đánh sẽ phá hỏng sự hoàn hảo này”, cô Yu nói.

Như Trần – Zing

Leave a Reply