WHO muốn điều tra thêm giả thuyết nCoV lọt từ phòng thí nghiệm

Tổng giám đốc WHO kêu gọi các điều tra viên về nguồn gốc Covid-19 tìm hiểu sâu hơn giả thuyết virus vô tình bị lọt từ phòng thí nghiệm.

“Mặc dù nhóm điều tra đã kết luận việc virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là giả thuyết ít khả năng nhất, điều này vẫn cần được điều tra thêm, có khả năng kết hợp với những nhiệm vụ bổ sung của các chuyên gia đặc biệt mà tôi đã sẵn sàng triển khai”, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm nay cho biết.

Tuyên bố được ông Tedros đưa ra trong bối cảnh WHO vừa công bố báo cáo 120 trang, cho hay virus gây ra Covid-19 nhiều khả năng lây sang người từ một loài vật và bắt đầu lây lan trên người không quá 1-2 tháng trước khi nó được phát hiện vào tháng 12/2019.

Báo cáo do các chuyên gia quốc tế được WHO chỉ định và đối tác Trung Quốc biên soạn nhận định nCoV có thể lây lan thông qua một vật chủ trung gian, “rất có khả năng” là một động vật hoang dã bị bắt và nuôi trong một trang trại. Tuy nhiên, họ chưa chỉ ra được đây là loài vật nào.

Không có bất kỳ kết luận chắc chắn nào được rút ra trong báo cáo, nhưng có xếp thứ tự về khả năng của các giả thuyết theo đánh giá của các chuyên gia WHO. Họ cho rằng giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm “cực kỳ khó xảy ra”.

Tedros hoan nghênh báo cáo và cho biết tài liệu này “giúp nâng cao đáng kể hiểu biết”. Tuy nhiên, trong cuộc họp với các quốc gia thành viên WHO, ông nhấn mạnh báo cáo cũng “đặt ra thêm các câu hỏi sẽ cần được giải quyết bằng những nghiên cứu sâu hơn”.

Bên cạnh đó, giám đốc WHO còn cho hay nhóm chuyên gia quốc tế “đã bày tỏ những khó khăn mà họ gặp phải trong việc tiếp cận dữ liệu thô” khi tiến hành điều tra nguồn gốc nCoV tại Trung Quốc. “Tôi hy vọng các nghiên cứu hợp tác trong tương lai sẽ bao gồm việc chia sẻ dữ liệu toàn diện và kịp thời hơn”, ông nói.

Cuộc điều tra của WHO kết thúc đầu tháng trước, sau khi Mỹ dẫn đầu nỗ lực quốc tế yêu cầu tìm hiểu kỹ lưỡng nguồn gốc nCoV. Nhóm chuyên gia quốc tế đã ở Trung Quốc một tháng, trong đó có hai tuần bị cách ly và điều tra thực địa trong khoảng thời gian còn lại. Một số người tỏ ra nghi ngờ nhiệm vụ của họ, như việc họ chỉ dành một giờ để xem xét chợ hải sản Hoa Nam, nơi phát hiện ca nhiễm nCoV đầu tiên.

Dominic Dwyer, chuyên gia Australia và là thành viên nhóm điều tra của WHO, cho biết Trung Quốc đã từ chối cung cấp dữ liệu thô về 174 trường hợp nhiễm nCoV đầu tiên ở Vũ Hán, bao gồm thông tin chi tiết về các các ca bệnh. Thay vào đó, Bắc Kinh chỉ đưa ra bản báo cáo tóm tắt.

Ánh Ngọc (Theo AFP) – VnExpress

Leave a Reply