Khi được hỏi về khả năng Áo phê duyệt vaccine Sputnik V, lãnh đạo ban quản trị Cơ quan Dược châu Âu ví đây như “trò chơi sinh tử Nga”.
“Tôi thực sự khuyên nên tránh cấp phép sử dụng khẩn cấp quy mô toàn quốc cho loại vaccine này. Chúng ta có thể có Sputnik V trên thị trường trong tương lai, khi đã xem xét những dữ liệu cần thiết”, Christa Wirthumer-Hoche, chủ tịch ban quản trị Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA), trả lời phỏng vấn hôm 7/3, thêm rằng vaccine Nga cần đáp ứng các tiêu chí kiểm soát chất lượng và hiệu quả của châu Âu.
“Trò chơi sinh tử” mà bà Wirthumer-Hoche đề cập là một trò chơi may rủi chết người có nguồn gốc từ Nga, nơi những người chơi dùng một khẩu súng lục ổ quay với một viên đạn duy nhất bên trong lần lượt tự dí vào đầu mình bóp cò. Người còn sống sẽ là người chiến thắng.
Bình luận được lãnh đạo EMA đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Áo Sebastian Kurz vừa gặp gỡ quan chức cấp cao Nga phụ trách tiếp thị vaccine Covid-19 Sputnik V. Trước đó ông cũng nhấn mạnh việc mua vaccine không nên bị chịu ảnh hưởng bởi “những cuộc đấu đá chính trị”, dù vẫn đồng ý chờ EMA phê chuẩn để sử dụng vaccine Nga.
Tuy nhiên, khác với sự kiên nhẫn của Áo, Hungary đã phê duyệt Sputnik V và bắt đầu sử dụng vaccine này như một phần trong chiến dịch tiêm chủng. Cộng hòa Czech và Slovakia cũng đã đặt hàng vaccine Nga và tuyên bố sẽ không chờ sự phê chuẩn của EMA.
Liên minh châu Âu (EU) được cho là đang lo ngại Điện Kremlin sẽ sử dụng vaccine như một công cụ quyền lực mềm, giữa lúc chiến dịch tiêm chủng tại khu vực hứng một loạt chỉ trích. Trong khi đó, phía Nga cũng yêu cầu Wirthumer-Hoche xin lỗi vì những bình luận “làm giảm uy tín của EMA”, “đặt ra nghi vấn nghiêm trọng về động cơ chính trị” trong quá trình phê duyệt vaccine của cơ quan này.
Giữa lúc hy vọng thoát khỏi đại dịch của thế giới dồn vào vaccine Covid-19, nhiều nước chưa bắt đầu chiến dịch tiêm chủng và ngay cả các quốc gia phát triển cũng bị thiếu hụt nguồn cung vì nhu cầu cao, Agathe Demarais, giám đốc dự báo toàn cầu của Cơ quan Tình báo Kinh tế, nhận định. Theo ông, Nga và Trung Quốc, ở mức độ thấp hơn là Ấn Độ, đang đặt cược vào “ngoại giao vaccine” để thúc đẩy lợi ích quốc gia.
“Nga và Trung Quốc đã thực hiện chiến lược trong khoảng thời gian rất dài, đặc biệt tại những quốc gia mới nổi, bởi họ cảm thấy các cường quốc phương Tây đang rút lui khỏi những nơi này”, Demarais cho hay, thêm rằng “ngoại giao vaccine” có thể giúp Moskva và Bắc Kinh củng cố sự hiện diện lâu dài ở các nước trên thế giới.
Trong khi EMA cảnh báo thận trọng trước Sputnik V, các vaccine Covid-19 của Trung Quốc cũng hứng chỉ trích từ phương Tây vì không công bố đầy đủ dữ liệu.
Nhiều người còn nhắc lại những bê bối vaccine của nước này trong quá khứ. Nỗ lực phân phối khẩu trang và đồ bảo hộ tới phương Tây của Trung Quốc đầu năm ngoái cũng không được đánh giá cao vì những cáo buộc sản phẩm kém chất lượng.
Đáp lại, truyền thông nhà nước Trung Quốc hồi tháng 1 xuất bản loạt bài chỉ trích vaccine Covid-19 do hãng dược phẩm Mỹ Pfizer hợp tác phát triển với công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech, đồng thời “chào hàng” vaccine Trung Quốc an toàn và dễ tiếp cận hơn.
Tờ Global Times thuộc People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng hơn 10 bài trong vòng một tuần để chỉ ra khuyết điểm của các chương trình vaccine và tiêm chủng ở phương Tây. Khoảng một nửa trong số đó đề cập đến những bệnh nhân quá yếu tử vong sau khi tiêm vaccine của Pfizer-BioNTech ở Na Uy.
Trong bài viết ngày 15/1, Global Times còn cáo buộc các hãng tin chính thống của Mỹ và Anh “cố tình hạ thấp những ca tử vong”, đồng thời “sử dụng quyền lực tuyên truyền để quảng bá vaccine Pfizer, bôi nhọ vaccine Trung Quốc”. Theo tờ báo này, Pfizer còn là một nhà cung cấp không đáng tin cậy, phớt lờ nhu cầu ở các nước khác để ưu tiên Mỹ.
Theo bình luận viên Michael Gordon và Dustin Volz của Wall Street Journal (WSJ), nỗ lực gieo nghi ngờ về vaccine Pfizer còn đánh vào tâm lý lo ngại vaccine sâu sắc của người dân tại Mỹ cùng một số nước phương Tây. Dữ liệu do Cục Thống kê Dân số Mỹ công bố tháng trước cho thấy nỗi lo lắng về tác dụng phụ của vaccine là nguyên nhân chính dẫn đến thái độ ngần ngại tiêm phòng.
Ngoài chiến dịch nhắm vào vaccine Pfizer-BioNTech của truyền thông Trung Quốc, Mỹ cáo buộc Nga cũng đang tiến hành nỗ lực này. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 7/3 cho biết họ đã xác định ba kênh xuất bản trực tuyến, do tình báo Nga chỉ đạo, đang tìm cách hạ uy tín vaccine của Pfizer và Moderna.
Trước đó, WSJ đưa tin 4 trang web liên quan tới tình báo Nga gồm New Eastern Outlook, Oriental Review, News Front và Rebel Inside, đã nhấn mạnh về các tác dụng phụ, tính hiệu quả cùng quá trình phê duyệt gấp rút của vaccine Pfizer. “Các trang web khác nhau rất nhiều về phạm vi tiếp cận và giọng điệu, nhưng đều nằm trong chiến dịch tuyên truyền và đưa tin sai lệch của Nga”, một quan chức Mỹ giấu tên nói.
WSJ cho rằng truyền thông nhà nước và tài khoản Twitter của chính phủ Nga còn liên tục làm gia tăng lo ngại về chi phí và độ an toàn của vaccine Pfizer, dường như là một phần trong nỗ lực thúc đẩy vaccine Sputnik V.
Điện Kremlin đã nhanh chóng phủ nhận các cáo buộc, đồng thời chỉ ra rằng bản thân vaccine Sputnik V của họ cũng phải chịu loạt ý kiến tiêu cực.
“Nếu chúng tôi cũng coi mọi thông tin tiêu cực về vaccine Sputnik là do tình báo Mỹ gây ra, chúng tôi sẽ phát điên vì phải thấy chúng hàng ngày, hàng giờ và trên khắp các phương tiện truyền thông”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
Ánh Ngọc (Theo WSJ, Reuters, TASS, AFP) – VnExpress