Trump vướng rắc rối vì cáo buộc khinh thường lính Mỹ tử trận

Bài báo tố Trump chê bai lính Mỹ tử trận đang có nguy cơ khiến sự ủng hộ của giới quân sự dành cho ông sụt giảm nghiêm trọng.

Tổng biên tập tạp chí Atlantic hôm 3/9 đăng một bài viết dẫn các nguồn tin giấu tên nói rằng Tổng thống Donald Trump năm 2018 từng hủy chuyến thăm tới nghĩa trang Aisne-Marne gần thủ đô Paris của Pháp năm 2018 vì cho rằng đây là nơi “đầy những kẻ bại trận”. Bài báo còn cho biết Trump đã gọi 1.800 lính thủy đánh bộ Mỹ chết trong trận chiến Rừng Belleau thời kỳ Thế chiến I đang được chôn cất ở nghĩa trang này là “những kẻ thảm hại” vì đã bị giết.

Ngay lập tức, các đối thủ đã chớp thời cơ để tổng công kích ông. Tại một cuộc họp báo, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đã tuyên bố rằng con trai ông, Beau Biden, người qua đời năm 2015 vì ung thư não, “không phải một kẻ thảm hại” vì đã gia nhập quân đội và tham chiến ở Iraq.

“Bạn sẽ cảm thấy ra sao nếu con bạn đang đóng quân ở Afghanistan”, Biden nói. “Bạn sẽ cảm thấy ra sao nếu bị mất con trai, con gái, chồng, vợ? Thực sự, bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Trong cả sự nghiệp của mình, tôi chưa bao giờ thất vọng như thế với bất kỳ một lãnh đạo nào mà tôi từng làm việc cùng, kể cả tổng thống hay bất cứ ai khác”.

Trump phủ nhận thông tin ông có những bình luận khinh thường các binh sĩ tử trận Mỹ như trong bài báo của Atlantic. “Đó là một câu chuyện giả mạo và thật đáng hổ thẹn khi họ được phép làm những việc như thế”, Trump tuyên bố trước các phóng viên tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, khẳng định ông luôn tôn trọng các quân nhân. “Với tôi, họ là người hùng”.

Cuộc khủng hoảng nổ ra ra trong bối cảnh những căng thẳng giữa Tổng thống Trump và giới lãnh đạo quân đội đang gia tăng vì một loạt vấn đề, như việc ông sử dụng quân đội chống lại những người biểu tình trên đường phố Mỹ, từ chối đổi tên các căn cứ được đặt theo tên những tướng lĩnh Liên minh miền Nam và việc ông liên tục ân xá, khoan hồng cho những tội phạm chiến tranh bị truy tố, kết án.

Một cuộc thăm dò do báo Military Times thực hiện gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ Biden trong quân đội đang cao hơn Trump 4 điểm phần trăm. Đây là một dấu hiệu đáng lo ngại bởi quân đội Mỹ lâu nay vẫn luôn dành sự ủng hộ cho đảng Cộng hòa.

Các cố vấn lo sợ bài báo của Atlantic, dù đã bị Trump kịch liệt chỉ trích và bác bỏ, chỉ là khởi đầu cho những câu chuyện tiêu cực về Tổng thống từ những cựu quan chức thất vọng với chính quyền, qua đó tiềm ẩn nguy cơ làm lung lay cử tri trước thềm cuộc bầu cử. Trong khi Trump yêu cầu các đồng minh đồng loạt lên tiếng chỉ trích bài báo, các cố vấn nhận ra rằng rất ít sĩ quan quân đội cấp cao sẵn sàng công khai bảo vệ ông.

Khoảng 15 tiếng sau khi bài viết của Atlantic được đăng, VoteVets, một tổ chức cựu chiến binh thường xuyên chỉ trích Trump, đã tung ra đoạn quảng cáo trực tuyến thể hiện hình ảnh cha mẹ của những binh sĩ tử trận ở Iraq và Afghanistan, mỗi người tuyên bố rằng con cái họ không phải “kẻ thua cuộc” hay “kẻ thảm hại”.

Cũng trong bài viết, tổng biên tập Jeffrey Goldberg của Atlantic còn dẫn 4 nguồn tin giấu tên nói rằng Trump không muốn thực hiện chuyến thăm tới nghĩa trang Aisne-Marne vì ông lo ngại trời mưa có thể làm hỏng kiểu tóc của mình. Lý do Trump đưa ra cho quyết định hủy chuyến đi vào phút chót là vì trời mưa, trực thăng không thể cất cánh, trong khi lực lượng Mật vụ không thể lái xe đưa ông tới đó.

Một số cố vấn của Trump đã lên tiếng bảo vệ ông bằng các thông điệp trên Twitter, bác bỏ thông tin từ Atlantic.

“Tôi đã ở đó và có mặt trong các cuộc thảo luận, chuyện như thế chưa bao giờ xảy ra”, Sarah Huckabee Sanders, người lúc bấy giờ là thư ký báo chí Nhà Trắng, cho hay.

Nhà Trắng cũng phát động một “chiến dịch thông tin” chưa từng có, tập hợp các quan chức cấp cao trong nội các để bảo vệ ông. “Tôi chưa bao giờ nghe thấy Tổng thống gọi các binh sĩ là ‘kẻ thảm hại’ hay ‘kẻ thua cuộc’ như những gì bài báo đưa”, Ngoại trưởng Mike Pompeo trả lời kênh truyền hình Fox News.

Bộ trưởng Quốc phòng Mark T. Esper ra một tuyên bố khẳng định Tổng thống Trump “luôn dành sự tôn trọng và ngưỡng mộ cao nhất đối với các thành viên quân đội, cựu chiến binh và gia đình họ”.

Dù vậy, theo Peter Feaver, người từng đảm nhận các vị trí an ninh quốc gia cấp cao dưới chính quyền Bill Clinton và George W. Bush, cách phản ứng quyết liệt bất thường của Nhà Trắng “cho thấy rõ ràng rằng họ coi sự việc lần này giống như một liều thuốc độc về chính trị đối với Tổng thống”.

“Nó làm suy yếu mạnh mẽ một tuyên bố cốt lõi trong chiến dịch tái tranh cử của Trump rằng ông là một tổng thống có công xây dựng lại lực lượng quân đội'”, Feaver bình luận.

Vũ Hoàng (Theo NYTimes, NPR) – VnExpress

Leave a Reply