10.000 người Thái biểu tình trước ngân hàng Vua nắm cổ phần

Hơn 10.000 người Thái Lan biểu tình trước ngân hàng thương mại Siam để yêu cầu điều tra tài sản cũng như chi tiêu của Vua Vajiralongkorn.

Biểu tình diễn ra từ khoảng 15h ngày 25/11 bên ngoài trụ sở Ngân hàng Thương mại Siam (SCB) ở phía bắc thủ đô Bangkok, làm tắc nghẽn giao thông ở khu vực này. Trụ sở chính của SCB ở Bankok đã đóng cửa hôm qua, nhưng các chi nhánh vẫn hoạt động.

Vua Maha Vajiralongkorn là cổ đông lớn nhất của ngân hàng SCB và người biểu tình trước đó đã kêu gọi người dân đóng tài khoản tại ngân hàng này để thể hiện sự phản đối.

Thủ lĩnh biểu tình Parit “Penguin” Chiwarak yêu cầu mở cuộc điều tra về tài sản và cách chi tiêu của nhà vua. Penguin cũng yêu cầu đám đông cùng hát một bài hát trước khi cuộc biểu tình kết thúc trong ôn hòa để phòng trường hợp anh bị bắt và không thể biểu tình ngày 27/11.

Một thủ lĩnh biểu tình khác là Panusaya “Ruang” Sithijirawattanakul cho biết cuộc biểu tình tiếp theo sẽ diễn ra vào chiều 27/11, nhưng không tiết lộ địa điểm.

Trong một bài đăng trên Facebook hôm 24/11, Penguin cho biết cảnh sát đã yêu cầu anh trình diện tại bộ phận trấn áp tội phạm công nghệ tại Khu phức hợp Chính phủ vào ngày 1/12. Các lệnh triệu tập tương tự cũng được đưa ra cho ít nhất 12 nhà hoạt động.

Những người tổ chức biểu tình ban đầu dự định tập trung tại Đài tưởng niệm Dân chủ và sau đó tiến về Cục Tài sản Hoàng gia (CBP) ở trung tâm hành chính của thủ đô để yêu cầu điều tra về tài sản và chi tiêu của nhà vua. Tuy nhiên, cảnh sát đã rào chắn khu vực CPB bằng container, hàng rào bê tông và dây thép gai. Người biểu tình được cảnh báo không tiến vào phạm vi 150 mét quanh CBP.

Các nhà tổ chức biểu tình sau đổi đổi địa điểm tuần hành sang ngân hàng SCB, cho biết quyết định này nhằm “giảm căng thẳng, tránh đụng độ và không rơi vào bẫy”. Giới chức đã lắp thêm camera giám sát xung quanh SCB vào sáng sớm 25/11.

Vua Vajiralongkorn là cổ đông lớn nhất của SCB, ngân hàng lớn thứ hai Thái Lan tính theo tài sản, nắm giữ 23,4% cổ phần do chính ông đứng tên.

Sau khi lên ngôi, Vua Vajiralongkorn nắm quyền quản lý CPB và đứng tên sở hữu khối tài sản ước tính hơn 60 tỷ USD vào năm 2016, gồm các bất động sản hàng đầu ở Bangkok và cổ phần tại SCB. CPB được thành lập từ những năm 1930 để quản lý tài sản hoàng gia, nhưng vào năm 2017, chúng trở thành tài sản cá nhân của nhà vua.

“Tôi muốn hỏi rằng nếu chúng ta cho phép tài sản nhà nước được chuyển sang quyền sở hữu của Vua Vajiralongkorn thì vua tương lai sẽ còn lại gì?”, nhà hoạt động Arnon Nampa đăng Twitter hôm 24/11, đồng thời kêu gọi ban hành các luật để hạn chế chi tiêu của nhà vua và xem xét lại quyền sở hữu tất cả các tài sản được đề cập.

Người biểu tình Thái Lan xuống đường nhiều tháng qua nhằm đòi hỏi một số yêu sách như thay đổi hiến pháp hay cải cách chế độ quân chủ, động thái được cho là vô cùng táo bạo tại một đất nước có truyền thống tôn kính hoàng gia. Theo luật chống phỉ báng hoàng gia được cho là nghiêm ngặt nhất thế giới, người phạm tội khi quân có thể bị phạt tù tới 15 năm.

Người biểu tình còn đòi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức, nhưng ông phản bác quan điểm này và khẳng định sẽ tiếp tục tại nhiệm.

Thủ tướng Prayuth tuần trước tuyên bố chính phủ và các cơ quan an ninh “sẽ thực thi tất cả luật hiện có để đối phó với những người biểu tình vi phạm pháp luật và phớt lờ quyền, tự do của người khác”. Các nghị sĩ tuần trước cũng bỏ phiếu về lộ trình thành lập ủy ban soạn thảo hiến pháp, nhưng bác bỏ bất kỳ sửa đổi nào đối với phần quy định về chế độ quân chủ.

Huyền Lê (Theo Nikkei) – VnExpress

Leave a Reply