28 bang nước Mỹ không báo số nhiễm COVID-19 mới trong tuần biểu tình

Các ca nhiễm mới tại một số bang như California hay Florida đã tăng trở lại sau hơn 1 tuần nước Mỹ chứng kiến các vụ biểu tình rầm rộ trên toàn quốc. Ít nhất 28 bang đã ngừng việc thông báo số ca nhiễm mới theo khuyến nghị của CDC.

Theo đài CNN, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã yêu cầu các bang thông báo các ca nhiễm mới và phơi nhiễm mỗi ngày.

Tuy nhiên, 28 bang đã không làm theo và ít nhất một nửa trong số này đã chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại số ca nhiễm mới trong tuần rồi. Những bang đông dân như California, Texas, New York và Florida đã không báo cáo các trường hợp phơi nhiễm bất chấp khuyến cáo của CDC.

Hôm 7-6, Florida đã ghi nhận hơn 1.000 ca mắc COVID-19 mới. Đó đã là ngày thứ 5 liên tiếp bang này chứng kiến số ca nhiễm mỗi ngày trên 1.000 người.

Tại California ở bờ Tây, số ca nhiễm tăng 40% trong vòng 1 tuần, trong đó tập trung chủ yếu ở Los Angeles – vùng dịch lớn nhất tiểu bang và San Francisco, thành phố vừa dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại và phong tỏa bãi biển.

Tổng số trường hợp mới được ghi nhận mỗi ngày trên khắp nước Mỹ đang dao động khoảng 20.000, giảm từ mức cao nhất là 30.000 vào tháng 4, nhưng mức giảm này chủ yếu là do tình hình được cải thiện ở các bang bị ảnh hưởng nặng nhất, như New York và New Jersey.

Nhiều bang của Mỹ đang đẩy mạnh việc mở cửa toàn bộ nền kinh tế trong bối cảnh các thông tin của Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ cho thấy xứ cờ hoa đã bước vào suy thoái kinh tế từ tháng 2 năm nay.

Florida đang ở giai đoạn mở cửa thứ hai khi cho phép các rạp chiếu phim và quán bar nhận khách, trong lúc Texas thông báo các doanh nghiệp có thể hoạt động với 50% công suất.

Theo CNN, việc báo cáo số ca phơi nhiễm lên CDC không phải là việc bắt buộc đối với các tiểu bang nhưng nếu không có các con số này, các nhà khoa học không thể xác định được quy mô dịch bệnh và các kịch bản trong tương lai.

Wafaa El-Sadr, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Columbia, cho rằng nước Mỹ đang ở trong tình huống không thể áp đặt lại các biện pháp giãn cách xã hội vì sự gia tăng đột biến các ca nhiễm mới.

“Tôi có cảm giác như nước Mỹ đang tiến 5 bước và lùi 1 bước”, ông El-Sadr nêu quan điểm.

BáoThe Guardian cho rằng dù các cuộc biểu tình diễn ra ngoài trời an toàn hơn tụ tập trong nhà, vẫn còn nhiều nguy cơ khiến tình hình dịch bệnh trầm trọng trở lại.

“Các hành động la hét hay cầu nguyện có thể bắn ra những giọt nước chứa virus. Bình xịt hơi cay của cảnh sát cũng có thể gây ho trong đoàn biểu tình làm tăng nguy cơ phát tán bệnh”, tờ báo của Anh lo ngại.

Tính đến 21h ngày 9-6 (giờ Việt Nam), đã có hơn 7,1 triệu người nhiễm bệnh trên toàn thế giới. Mỹ vẫn là vùng dịch lớn với 1.961.646 ca nhiễm, trong đó có 111.014 người đã chết, theo thống kê của Đại học John Hopkins (Mỹ).

Nổi Bật

Leave a Reply