Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc ‘hành quân khiêu khích’ tại biên giới

Hồ Pangong tại khu vực biên giới tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Ảnh: AP.

Ấn Độ tố cáo Trung Quốc “tổ chức hành quân khiêu khích nhằm thay đổi nguyên trạng”, giữa lúc hai bên chưa giải quyết được tình trạng đối đầu ở biên giới vài tháng qua.

Ấn Độ hôm 31/8 cho biết binh sĩ nước này đã ngăn chặn việc hành quân “khiêu khích” của Trung Quốc gần biên giới tranh chấp ở khu vực Ladakh, vài tháng sau vụ đụng độ gây thương vong nghiêm trọng nhất nhiều thập kỷ, AP đưa tin.

Thông cáo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ nói quân đội Trung Quốc tối 29/8 “tổ chức hành quân khiêu khích nhằm thay đổi nguyên trạng” và “vi phạm đồng thuận đạt được trước đó thông qua tiếp xúc quân sự và ngoại giao” để giải quyết cuộc đối đầu tại khu vực.

Thông cáo cho hay quân đội Ấn Độ đã hành động để ngăn chặn hoạt động quân sự của Trung Quốc ở bờ nam hồ Pangong. Hồ này được chia đôi bởi đường biên giới trên thực tế giữa hai nước và là một trong ba địa điểm xảy ra đụng độ hồi đầu tháng 5.

Thông cáo cũng nói quân đội Ấn Độ “đã tiến hành các biện pháp để củng cố vị thế của chúng tôi và ngăn cản các ý đồ nhằm đơn phương thay đổi thực địa của Trung Quốc”.

Theo thông cáo, chỉ huy quân sự địa phương của hai nước đã gặp nhau tại khu vực biên giới tranh chấp hôm 31/8 để “giải quyết các vấn đề”. Ấn Độ cam kết đối thoại “nhưng cũng quyết tâm không kém để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình”.

Một số cuộc đàm phán quân sự và ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ladakh đều không thành công.

Đường biên giới dài 3.500 km đang tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc trải dài từ vùng Ladakh ở phía bắc đến bang Sikkim của Ấn Độ. Hai nước từng gây ra chiến tranh biên giới vào năm 1962, trong đó Ladakh cũng là chiến trường. Hai nước đã cố gắng giải quyết tranh chấp biên giới từ đầu những năm 1990 nhưng không thành công.

Cuộc đối đầu vẫn đang diễn ra ở vùng núi Karakoram, nơi có cảnh quan nguyên sơ với đường băng cao nhất thế giới, một sông băng cung cấp nước cho một trong những hệ thống thủy lợi lớn nhất thế giới và cũng là mắt xích quan trọng trong chương trình Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Cuộc đối đầu bắt đầu ở ba nơi. Binh lính hai nước tại khu vực hồ dài 134 km đã phớt lờ nhiều cảnh báo bằng lời, dẫn đến việc tranh cãi, ném đá và thậm chí ẩu đả.

Đến tháng 6, tình hình leo thang và lan sang hai nơi khác ở phía bắc ở Depsang và thung lũng Galwan, nơi Ấn Độ đã xây dựng một tuyến đường quân sự chịu được mọi thời tiết dọc biên giới tranh chấp.

Vào ngày 15/6, tình thế trở nên bế tắc khi binh sĩ hai bên giao tranh vào ban đêm ở Galwan.

Theo giới chức Ấn Độ, quân đội Trung Quốc đã ném đá, đấm và đẩy binh sĩ Ấn Độ xuống sườn núi ở độ cao khoảng 4.500 mét khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, trong đó có một đại tá. Trung Quốc không thông báo về thương vong.

Đây là cuộc xung đột chết chóc nhất trong 45 năm giữa hai nước. Cáo buộc nhau xúi giục bạo lực, cả hai bên cam kết bảo vệ lãnh thổ của mình nhưng cũng cố gắng chấm dứt cuộc đối đầu đã làm thay đổi đáng kể mối quan hệ song phương Ấn Độ – Trung Quốc.

Đông Phong – Zing

Leave a Reply