Ca Covid-19 tăng trở lại ở New York, trường học đóng cửa

Là tâm dịch Covid-19 của Mỹ vào mùa xuân, ca nhiễm mới ở New York đã giảm đáng kể trong mùa hè, nhưng tình hình phức tạp trở lại trong những tuần gần đây.

Thế giới ghi nhận thêm 11.060 ca tử vong do Covid-19 hôm 18/11, nâng số người chết vì đại dịch lên 1.353.663. Tổng số ca nhiễm hiện là 56.521.522, tăng 608.410 ca, trong khi 39.311.572 người đã bình phục, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 11.854.640 ca nhiễm và 256.076 ca tử vong sau khi báo cáo thêm lần lượt 175.117 và 2.001 trường hợp.

Thị trưởng Bill de Blasio ngày 18/11 thông báo 1.800 trường công ở thành phố New York – hệ thống trường lớn nhất ở Mỹ, phải dừng giảng dạy trực tiếp vì ca nhiễm tăng trở lại. “Chúng ta phải chống lại làn sóng Covid-19 thứ hai”, ông nói.

Các bang và thành phố Mỹ đang áp đặt một loạt hạn chế mới, bao gồm yêu cầu người dân ở nhà, không cho phép kinh doanh dịch vụ ăn uống trong nhà và giới hạn tụ tập khi ca nhiễm tăng cao trở lại trên khắp đất nước. Trước đó, Boston và Detroit cũng dừng cho trường học giảng dạy trực tiếp.

Công tác phòng chống dịch tại Mỹ càng thêm khó khăn khi Tổng thống Donald Trump vẫn chưa công nhận Joe Biden là tổng thống đắc cử và từ chối tiến hành các thủ tục chuyển giao quyền lực. Vì vậy, Biden cùng đội ngũ của ông không thể phối hợp với quan chức chính phủ trong các vấn đề quan trọng, bao gồm chống đại dịch và kế hoạch phân phối vaccine Covid-19.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 45.439 ca nhiễm và 587 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 8.958.143 và 131.618.

Tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng tại New Delhi, nơi đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch, khiến nhiều bệnh viện quá tải. Chính quyền thủ đô đã lên kế hoạch khôi phục một số biện pháp hạn chế nếu cần thiết, như đóng cửa các khu chợ. Ấn Độ hy vọng 5 loại vaccine được thử nghiệm tại nước này sẽ giúp họ kiểm soát đại dịch thành công.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 712 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 167.455. Số người nhiễm nCoV tăng 34.091 ca trong 24 giờ qua, lên 5.945.849.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho rằng xử lý đại dịch sẽ dễ dàng và bớt tốn kém hơn nếu đầu tư vào thuốc điều trị thay vì vaccine, đồng thời tiếp tục quảng bá thuốc chống sốt rét chloroquine, bất chấp nhiều bằng chứng cho thấy nó không hiệu quả.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), châu Âu vẫn là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm 46% số ca nhiễm và 49% số ca tử vong mới tuần trước.

Pháp báo cáo 2.065.138 ca nhiễm và 46.698 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 28.383 ca nhiễm và 425 ca tử vong. Bất chấp lệnh phong tỏa mới trên phạm vi toàn quốc áp dụng từ ngày 30/10 giúp số ca nhiễm nCoV mới giảm mạnh, Pháp, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, vẫn trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên vượt mốc hai triệu ca nhiễm nCoV.

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran hôm qua cho biết nước này đang lấy lại đà kiểm soát nCoV, nhưng chưa sẵn sàng nới lỏng các biện pháp hạn chế. Mặc dù số ca nhiễm hàng ngày đã thấp hơn, số bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 lại lên mức cao kỷ lục.

Chính phủ Tổng thống Emmanuel Macron đặt mục tiêu kết thúc lệnh phong tỏa vào ngày 1/12, nhưng có thể kéo dài thêm nếu tình hình không cải thiện đủ nhanh.

Anh báo cáo thêm 19.609 ca nhiễm và 529 người chết, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.430.341 và 53.274. Anh đang là một trong những vùng dịch lớn nhất châu Âu cũng như thế giới, khiến chính phủ tái áp đặt phong tỏa toàn quốc từ ngày 31/10, đánh dấu một trong những lệnh hạn chế nghiêm ngặt nhất từ sau Thế chiến II.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đang tự cách ly sau khi tiếp xúc một người được xác nhận dương tính nCoV. Kết quả xét nghiệm hôm qua cho thấy ông âm tính với virus, nhưng Thủ tướng vẫn tiếp tục cách ly, đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp giãn cách.

Đức ghi nhận 20.801 ca nhiễm mới và 244 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 854.533 và 13.492. Mặc dù đồ thị số liệu Covid-19 đang bằng phẳng hơn, giới chức đánh giá các số liệu hàng ngày vẫn quá cao.

Từ ngày 2/11 đến 30/11, người Đức không bị giới hạn trong nhà, nhưng được yêu cầu tránh tất cả hoạt động đi lại không cần thiết, chỉ cho phép lưu trú qua đêm vì “mục đích phi du lịch”. Trường học và các cửa hàng vẫn được mở cửa, nhưng tất cả nhà hàng, quán bar, nhà hát và rạp chiếu phim phải đóng cửa.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết nước này có thể kéo dài các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 trong 4-5 tháng nữa. Trong khi đó, Thủ tướng Angela Merkel thúc đẩy những biện pháp phòng dịch chặt chẽ hơn, như đeo khẩu trang tại tất cả trường học và trong những lớp học quy mô nhỏ hơn.

Nga, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận thêm 20.985 ca nhiễm nCoV và kỷ lục 456 người chết trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.991.998 và 34.387.

Giới chức Nga cho biết các biến chủng nCoV đang xuất hiện ở vùng Siberia của nước này, đồng thời cảnh báo chúng có thể khiến dịch bệnh trở nên nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, Rinat Maksyutov, tổng giám đốc Viện virus học Vector của Nga, nhấn mạnh các biến chủng không thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine Covid-19.

Nam Phi là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 757.144 ca nhiễm và 20.556 ca tử vong, tăng lần lượt 2.888 và 124 ca.

Nam Phi bắt đầu nới lỏng hạn chế xuống mức thấp nhất hồi tháng 9, sau khi tỷ lệ ca nhiễm mới giảm, đồng thời mở cửa biên giới cho hành khách quốc tế từ đầu tháng 10 sau lệnh cấm kéo dài 6 tháng. Tình trạng đóng cửa khiến Nam Phi mất hơn 2 triệu việc làm trong quý II, nền kinh tế sụt giảm kỷ lục.

Iran, vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 42.941 người chết, tăng 480, trong tổng số 801.894 ca nhiễm, tăng 13.421. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV ở Iran có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu tháng 9, với tình trạng gia tăng được báo cáo tại gần như toàn bộ 31 tỉnh.

Ngay cả giới chức Iran cũng thừa nhận số liệu chính thức dường như thấp hơn so với mức độ nghiêm trọng của đại dịch ở nước này. Họ đang xem xét áp dụng các biện pháp chống virus mới trên phạm vi toàn quốc từ ngày 21/11.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 478.720 ca nhiễm, tăng 4.265 so với hôm trước, trong đó người chết là 15.503, tăng 110 ca.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuần trước cho biết nước này dự định bắt đầu tiêm chủng hàng loạt cho nhân viên y tế và các nhân viên trên tuyến đầu khác từ tháng sau, nhằm kiềm chế dịch bệnh và hỗ trợ phục hồi kinh tế, sử dụng một số loại vaccine Covid-19 tiềm tăng như Sinovac của Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong phiên điều trần trước quốc hội hôm qua, lãnh đạo cơ quan phụ trách thực phẩm và dược phẩm Indonesia cảnh báo họ không thể cấp phép kịp cho hoạt động này đúng thời hạn tháng 12, do dữ liệu lúc đó được cho là vẫn chưa hoàn thành.

Philippines báo cáo 412.097 ca nhiễm và 7.957 ca tử vong, tăng lần lượt 1.383 và 95 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.

Mặc dù các con số có xu hướng giảm trong vài tuần gần đây, Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario hôm 16/11 cảnh báo không được chủ quan. Công tác chống Covid-19 tại Philippines còn gặp nhiều khó khăn do bão lớn liên tiếp đổ bộ, khiến người dân phải đi sơ tán tại các địa điểm đông người và thiếu biện pháp phòng dịch an toàn.

Toàn cầu đang tràn đầy hy vọng đánh bại Covid-19 sau khi hãng dược phẩm Mỹ Pfizer và đối tác BioNTech, công ty công nghệ sinh học Đức, công bố vaccine Covid-19 của họ đạt hiệu quả phòng ngừa 95%. Trước đó, hãng công nghệ sinh học Mỹ Moderna cũng thông báo vaccine tiềm năng của họ đạt hiệu quả gần 95%.

Lãnh đạo của BioNTech cho biết các nhà quản lý Mỹ và châu Âu có thể phê duyệt vaccine của họ sớm nhất là vào giữa tháng 12. Tuy nhiên, tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, lưu ý cần chú trọng việc thuyết phục người dân đi tiêm phòng, đặc biệt tại Mỹ, nơi phong trào bài vaccine đang gia tăng.

Phương Vũ (Theo AFP/Reuters) – VnExpress

Leave a Reply