Căng thẳng tiếp tục khi Trung – Ấn tăng cường đưa quân đến biên giới

Ấn Độ và Trung Quốc đều điều động thêm binh sĩ và có hoạt động ở khu vực biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya, trái ngược với cam kết trước đó về xuống thang căng thẳng.

Việc binh sĩ của cả Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục được điều động ở hai phía biên giới tại phía tây dãy Himalaya đặt ra câu hỏi rằng liệu tuyên bố trước đó của quan chức hai nước về cam kết làm giảm căng thẳng có thật sự diễn ra hay không, nhất là khi Delhi cảnh báo rằng hiện trạng lúc này là “không bền vững”, theo BBC.

Phát biểu ngoại giao khác với thực tế

Những phát biểu ngoại giao từ Ấn Độ và Trung Quốc đều kêu gọi tăng cường đàm phán cũng như rút quân khỏi khu vực tranh chấp, sau khi diễn ra vụ đụng độ chết người tại thung lũng Galwan hôm 15/5.

Hôm 25/6, Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói binh sĩ của hai bên vẫn được triển khai với số lượng lớn tại khu vực này. New Delhi thừa nhận điều quân đến biên giới bằng đúng với số lượng binh sĩ Trung Quốc đang đóng ở phía bên kia, và cáo buộc Trung Quốc tạo ra căng thẳng khi là bên đầu tiên triển khai quân đội.

“Trọng tâm của vấn đề là từ đầu tháng 5, phía Trung Quốc đã triển khai một lượng lớn binh sĩ và vũ khí dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC)”, ông Anurag Srivastava, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ, cho biết trong họp báo hôm 25/6 ở New Delhi.

“Việc tiếp tục tình hình hiện tại sẽ chỉ làm hỏng bầu không khí cho sự phát triển mối quan hệ giữa 2 nước”, ông Srivastava nói thêm.

Bình luận này hoàn toàn trái ngược với cam kết quan chức quân sự hai nước đưa ra hôm 22/6 về rút quân và xuống thang sau cuộc đàm phán kéo dài tới 11 giờ.

Trong phỏng vấn với hãng tin Ấn Độ PTI, Đại sứ Trung Quốc tại nước này, ông Tôn Vệ Đông, tiếp tục đổ lỗi vụ đụng độ bạo lực diễn ra cách đây 2 tuần là do lỗi của Ấn Độ.

Hôm 15/6, các binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đã đánh nhau bằng gạch đá và gậy gộc trong nhiều giờ ở Thung lũng Galwan, khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng và 76 người khác bị thương.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hồi đầu tuần này cho biết có thương vong ở cả hai bên, nhưng không đưa ra con số cụ thể.

Trong khi đó, truyền thông địa phương và quốc tế đều đưa tin rằng quân đội hai bên đang tăng cường tập hợp trong khu vực tranh chấp.

Reuters thu thập được các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc xây dựng những công trình mới gần sông Galwan hôm 22/6.

Tờ Economic Times của Ấn Độ hôm 26/6 đưa tin rằng việc rút quân sẽ kéo dài hơn dự kiến, sau khi quân đội Ấn Độ và người dân địa phương phát hiện Trung Quốc xây dựng thêm lều dành cho binh sĩ dọc theo sông Galwan.

Kịch bản nào sẽ xảy ra?

Hiện chưa rõ những hoạt động quân sự diễn ra trong tuần này là để nhắm tới việc rút quân thật sự, hay sẽ dẫn tới cuộc đụng độ khác, theo ông Srikanth Kondapalli, giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru.

“Có hai xu hướng ở đây – một là quá trình quân sự – ngoại giao diễn ra bên ngoài những gì truyền thông đưa tin, và một dành cho công chúng. Những tuyên bố gần đây từ cuộc phỏng vấn đại sứ Trung Quốc, tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Bộ Ngoại giao Ấn Độ đều là dành cho công chúng”, ông Kondapalli nhận định.

“Đã có một quá trình được khởi động bởi chỉ huy quân đội hai bên, nhưng sẽ cần thời gian để binh sĩ tại địa phương thực hiện hành động cụ thể đó. Cuộc gặp của các lãnh đạo quân sự mới chỉ diễn ra được vài ngày, và cần rất nhiều thời gian cũng như nỗ lực để điều chỉnh vị trí của binh sĩ. Nhưng nếu họ không làm vậy, điều đó có nghĩa là một kịch bản khác, có thể là một cuộc xung đột ở cấp độ cao hơn”, ông Kondapalli nói thêm.

Trong khi vụ đụng độ hôm 15/6 là tin tức nóng hổi ở Ấn Độ, dẫn tới làn sóng phản đối và tẩy chay hàng hoá Trung Quốc của người dân nước này, vụ việc được thảo luận rất ít ở Trung Quốc và Bắc Kinh cũng công bố rất ít về những gì đã diễn ra.

Tiến sĩ Long Xingchun, Chủ tịch Viện Các vấn đề Thế giới ở Thành Đô (CIWA) cho biết ông tin rằng Ấn Độ và Trung Quốc sẽ có thể làm giảm căng thẳng.

“Tôi không biết chi tiết về tình hình biên giới hiện tại. Nhưng không có sự công nhận lẫn nhau của Đường Kiểm soát Thực tế (LAC). Phiên bản LAC của Ấn Độ không được Trung Quốc chấp nhận và ngược lại”, ông nói với BBC.

“Tôi nghĩ hai nước có thể quản lý tình hình và giải quyết vấn đề một cách hoà bình”, ông Long nói thêm.

Sơn Trần – Zing

Leave a Reply