Cuộc đời kỳ lạ của người đàn ông chạy khỏi Triều Tiên rồi lại quay về

Để tránh cáo buộc hiếp dâm tại Hàn Quốc, Kim Geum Hyok quyết định hồi hương về Triều Tiên. Ảnh: The New York Times.

Để tránh cáo buộc hiếp dâm tại Hàn Quốc, Kim Geum Hyok quyết định trở về nơi mình đã trốn chạy 3 năm trước, và mang theo triệu chứng Covid-19 về Triều Tiên.

Ba năm trước, Kim Geum Hyok là một thanh niên 21 tuổi sống tại Triều Tiên và không có việc làm. Một ngày nọ, anh Kim quyết định leo lên núi Bạch Mã ở thành phố biên giới Kaesong để suy ngẫm về cuộc đời.

Tại đây, anh nhìn thấy những toà nhà chọc trời của Hàn Quốc ở phía bên kia sông. Những toà nhà lấp lánh ánh điện như đang vẫy gọi anh.

Sau 2 đêm leo núi, anh Kim quyết định vượt biên giới liên Triều, vốn là khu vực được canh gác chặt chẽ bậc nhất. Kim bò rạp dưới hàng rào dây thép gai, tìm đường vượt qua bãi mìn nổ và tránh sự chú ý của lực lượng biên phòng.

Đến bờ sông Bạch Mã, anh Kim trốn trong đám lau sậy, biến chiếc thùng rác nhựa nằm gần đó thành áo phao. Khi màn đêm buông xuống, anh dùng hết sức lực để bơi qua sông. Hành trình bơi vượt biên của người đàn ông này kéo dài 7 tiếng 30 phút.

“Tôi cứ liên tục bơi về nơi có ánh sáng”, Kim chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn. “Khi dạt vào bờ sông phía Hàn Quốc, tôi kiệt sức và đã ngã gục. Tôi kịp nhìn thấy nhiều binh sĩ Hàn Quốc tiến đến gần”.

Sau ba năm sinh sống tại Hàn Quốc, Kim quyết định hồi hương theo cách mà anh đã từng làm: bơi vượt qua biên giới liên Triều, New York Times dẫn thông tin từ giới chức Hàn Quốc.

Hôm 26/7, phía Triều Tiên cho biết người đàn ông này có thể mang theo mầm bệnh Covid-19. Bình Nhưỡng lập tức phong toả nghiêm ngặt thành phố biên giới Kaesong, cũng là quê hương của “kẻ đào tẩu” Kim Geum Hyok.

Hồi đầu tuần (27/7), một sở cảnh sát tại Hàn Quốc tiếp tục thông báo anh Kim Geum Hyok đang bị truy nã vì cáo buộc hiếp dâm.

Vài tuần trước khi hồi hương, Kim Geum Hyok đã trả lời phỏng vấn trên kênh YouTube của Kim Jin Ah, một người phụ nữ từng trốn khỏi Triều Tiên. Trong các cuộc phỏng vấn, anh Kim chia sẻ về cuộc sống của mình tại hai miền bán đảo liên Triều.

Hành trình đào tẩu độc nhất

So với 33.000 người Triều Tiên sinh sống tại Hàn Quốc, Kim Geum Hyok có một hành trình đào tẩu khác thường. Để bỏ trốn, người Triều Tiên thường đi qua một nước thứ ba như Trung Quốc hay các nước ở Đông Nam Á. Song vẫn có vài người liều lĩnh vượt biên như anh Kim.

Quê hương Kaesong của Kim từng là một đô thị lớn với 300.000 dân. Năm 2004, Kaesong được chọn làm khu công nghiệp chung của hai miền bán đảo Triều Tiên. Khi ấy, anh em nhà Kim Geum Hyok bán hàng trong khu công nghiệp này.

Trong một cuộc phỏng vấn, Kim Geum Hyok chia sẻ: “Từ bé, tôi gần như bị khiếm thính nên việc giao tiếp gặp nhiều khó khăn. Tôi từng bị đánh vì làm sai lời người khác”.

Bốn năm trước, Triều Tiên bất ngờ đóng cửa khu phức hợp căng thẳng về vấn đề hạt nhân lên cao. Nền kinh tế dễ bị tổn thương của Triều Tiên tiếp tục tuột dốc, khiến nhiều người như anh Kim thất nghiệp.

Anh Kim chia sẻ về chuyến leo núi Bạch Mã vào năm 2017: “Tôi cảm thấy tương lai thật vô vọng và cuộc sống không còn có ý nghĩa. Khi ấy, tôi đã nghĩ đến chuyện chết đi hay sống tiếp”.

Trong giây phút này, Kim quyết định đặt niềm hy vọng vào những toà cao ốc phía bên kia sông: “Tôi muốn đến đó và xem thử những điều mới lạ, dù việc này có thể đồng nghĩa với cái chết”.

Khi đặt chân đến Hàn Quốc, Kim Geum Hyok không thể rời mắt khỏi các kênh thông tin đa dạng, vốn là điều không tưởng ở Triều Tiên. Anh được sắp xếp nơi cư trú tại thành phố Gimpo, nằm đối diện quê nhà Kaesong qua sông Hàn.

Tại Hàn Quốc, Kim Geum Hyok cũng được điều trị bệnh khiếm thính. Anh không chia sẻ chi tiết về quá trình điều trị song anh cho biết mình đã khóc khi được gặp bác sĩ. Kim còn được theo học tại trường dạy nghề, vốn là một phần của chương trình hỗ trợ dành cho những người đào thoát khỏi Triều Tiên.

Trong một cuộc phỏng vấn với Kim Jin Ah, Kim Geum Hyok cũng chia sẻ nỗi nhớ gia đình sâu sắc.

Hành trình hồi hương khác thường không kém

“Tôi từng ghé thăm căn hộ của Kim Geum Hyok hồi tháng 6. Tôi thấy bất ngờ vì căn hộ không có nhiều đồ đạc”, cô Kim Jin Ah chia sẻ trong một đoạn video gần đây. “Nhìn lại, tôi mới hiểu anh ấy chuẩn bị cho việc rời Hàn Quốc từ lâu rồi”.

Quyết định hồi hương của Kim tiếp tục là một sự kiện hy hữu. Tại Triều Tiên, những người đào tẩu bị coi là cặn bã của xã hội. Họ có nguy cơ nhận án phạt nặng nếu quay về nước.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết có 11 người Triều Tiên quyết định hồi hương trong vòng 5 năm qua. Những người này phải quay về vì không thể thích nghi với môi trường sống, văn hoá và xã hội ở Hàn Quốc.

Sau khi kết thúc phỏng vấn, Kim Geum Hyok từng tiết lộ anh đang bị cảnh sát điều tra vì tội cưỡng hiếp một người phụ nữ đào thoát khỏi Triều Tiên, New York Times dẫn thông tin từ Kim Jin Ah.

Kim Geum Hyok chia sẻ đêm hôm đó anh quá say nên không biết chuyện gì xảy ra. Cảnh sát thành phố Gimpo đã phát lệnh truy nã người đàn ông này vì có liên quan đến cáo buộc hiếp dâm.

Vào ngày 17/7, Kim đặt chân đến đảo Ganghwa của Hàn Quốc. Vào khoảng 2h sáng ngày hôm sau, anh Kim đi taxi đến bờ biển phía bắc của hòn đảo, chuẩn bị cho chuyến vượt biên về Triều Tiên. Anh gửi tin nhắn cuối cùng cho Kim Jin Ah: “Tôi không muốn mất bạn vì bạn giống như một người chị của tôi. Tôi sẽ trả nợ cho bạn dù tôi ở đâu, miễn là tôi còn sống”.

Nhận được tin nhắn trên, Kim Jin Ah vội chạy đến nơi cư trú của anh Kim Geum Hyok. Cô phát hiện anh Kim đã trả lại căn hộ và đòi lại tiền đặt cọc từ nhiều ngày trước. Kim cũng bán một chiếc xe cũ mượn của Kim Jin Ah để lấy tiền.

Giới chức Hàn Quốc cho biết Kim Geum Hyok đã bò qua đường ống cống chạy dưới hàng rào dây thép gai ở gần đảo Ganghwa. Ống cống này dẫn đến sông Hàn, cho phép Kim bơi qua sông để vượt biên.

Trong một chiếc túi nằm gần ống cống, cảnh sát tìm thấy nhiều hoá đơn và biên lai ngân hàng. Theo đó, Kim Geum Hyok đã rút 5 triệu won và đổi thành 4.000 USD. Phía Hàn Quốc chưa xác định được hành động tiếp theo của Kim Geum Hyok.

Hôm 26/7, Triều Tiên xác nhận người đàn ông này đã bị cách ly, đồng thời cáo buộc “kẻ đào tẩu” đặt thành phố biên giới Kaesong vào tình trạng nguy hiểm, có nguy cơ dẫn đến một “thảm hoạ chết người” vì dịch Covid-19.

Uyên Uyên (Theo New York Times) – Zing

Leave a Reply