EU xích mích vì vaccine Sputnik V

Chiến dịch tiêm chủng Covid-19 yếu kém khiến EU giờ đây tranh cãi về việc có nên “bật đèn xanh” cho Sputnik V, loại vaccine từ đối thủ của họ.

Điện Kremlin tuần trước cho biết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã họp trực tuyến, nhằm thảo luận về triển vọng “phê duyệt vaccine Sputnik V của Nga tại Liên minh châu Âu (EU), cũng như khả năng cung cấp và cùng sản xuất vaccine này tại các nước trong khối”.

Phía Đức đề cập tới cuộc họp trực tuyến này bằng giọng điệu ôn hòa hơn, bao gồm lưu ý rõ ràng rằng Sputnik V chỉ có thể được sử dụng nếu đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu.

Theo bình luận viên Luke McGee của CNN, phần lớn 27 quốc thành viên của EU tỏ ra khá thoải mái với cuộc gặp giữa ba lãnh đạo. Trên thực tế, một số nước đã thỏa thuận trực tiếp với Moskva với hy vọng tiếp cận được Sputnik V, dù loại vaccine Covid-19 này chưa được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt, cũng không nằm trong chương trình vaccine tập trung của EU, trong đó Ủy ban châu Âu thay mặt các nước mua vaccine.

Hungary và Slovakia đều đã cấp phép và đặt hàng 4 triệu liều vaccine Sputnik V. Một số nước khác, bao gồm Áo, cũng đang chuẩn bị đặt hàng và triển khai vaccine của Nga. Trong khi đó, Italy và vài quốc gia đang đàm phán để sản xuất Sputnik V ở châu Âu.

Động thái của Áo được đưa ra sau khi Thủ tướng Sebastian Kurz của nước này công khai cáo buộc Ủy ban châu Âu phân phối vaccine Covid-19 không công bằng giữa các quốc gia thành viên EU. Tuần trước, ông đăng trên Twitter bức ảnh gặp gỡ đại sứ Nga tại Áo, đồng thời cho biết “rất vui” vì sắp có thể đặt hàng Sputnik V.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với cuộc gặp giữa Macron, Merkel và Putin, bởi hoài nghi về động cơ của Nga. Các nhà ngoại giao từ một số nước từng thuộc Liên Xô nhấn mạnh họ không có ý định sử dụng bất cứ vaccine nào “ngoài những loại được EMA mua”, đồng thời suy đoán Sputnik V “có thể trở thành công cụ để chia rẽ EU và các đồng minh”, hoặc lo ngại Moskva có thể sử dụng nó để thực hiện cho các mục tiêu khác.

Thủ tướng Litva Ingrida Simonyte thậm chí công khai cáo buộc Tổng thống Putin “không quan tâm đến việc sử dụng vaccine để cứu giúp người dân Nga, mà cung cấp cho thế giới như một loại vũ khí để chia rẽ và kiểm soát”, được cho là đề cập đến việc đông đảo người dân Nga ngần ngại tiêm vaccine.

Tuy nhiên, quan điểm của Simonyte chỉ là thiểu số trong giới lãnh đạo EU. Ngoài một số quốc gia từng thuộc Liên Xô, các nước thành viên khác cho rằng nỗi lo ngại về Nga đang bị làm quá.

“Ngay cả khi EMA phê duyệt Sputnik V, Ủy ban châu Âu rất khó có khả năng thêm loại vaccine này vào danh mục”, một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên nhận định. Bên cạnh đó, các vaccine được sử dụng trong chương trình của EU phải được sản xuất trong những phòng thí nghiệm tuân thủ theo tiêu chuẩn của EMA.

Bình luận viên McGee đánh giá còn rất lâu nữa Sputnik V mới được sản xuất trong các phòng thí nghiệm của EU, nhưng việc một số quốc gia thành viên lo lắng, trong khi những nước còn lại bác bỏ nỗi lo, hoặc thậm chí tỏ ra nhiệt tình với Sputnik V, cho thấy vấn đề vaccine Nga dễ dàng chia rẽ cả trong và ngoài EU đến mức nào.

Tom Tugendhat, chủ tịch ủy ban đối ngoại quốc hội Anh, cho rằng EU “vô cùng ngây thơ” khi thảo luận về Sputnik V. “Chúng ta đều biết Nga đang sử dụng vaccine làm công cụ ngoại giao. Họ dùng nó để gây chia rẽ sâu sắc hơn giữa Anh và EU, giữa các nước EU vốn biết quá rõ về Nga, như Litva, với phần còn lại”, quan chức Anh nêu ý kiến.

Oleg Ignatov, nhà phân tích cấp cao về Nga tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, tin rằng mục tiêu chính của Moskva là “thắng cuộc chiến quyền lực mềm bằng việc thúc đẩy châu Âu công nhận vaccine của họ, đồng thời khiến người dân tại đây có cảm tình hơn”. Tuy nhiên, ông cho hay “tác dụng phụ” của nỗ lực này là khiến phương Tây chia rẽ.

Theo bình luận viên McGee, đại dịch đã gây ra những hệ quả khủng khiếp với nội bộ châu Âu. Những vấn đề không được lường trước về nguồn cung vaccine, kết hợp với những cuộc gặp trực tiếp bị hạn chế và lợi ích riêng của mỗi quốc gia đã tạo ra xung đột tại khu vực mà các nước có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Đối với các đồng minh, đây có thể chỉ đơn thuần là xích mích nội bộ. Tuy nhiên, trong mắt đối thủ, đây có thể là điểm yếu, giúp tạo ra “cơ hội vàng” để có chiến thắng ngoại giao ngoạn mục, McGee nhận xét thêm.

Ánh Ngọc (Theo CNN) – VnExpress

Leave a Reply