Gốc Ấn Độ ảnh hưởng gì tới ‘phó tướng’ của Biden?

MỸ – Năm 1958, Shyamala Gopalan vượt hàng nghìn kim từ Ấn Độ đến Berkeley, thành phố phía bắc California, để theo đuổi tấm bằng tiến sĩ về dinh dưỡng và nội tiết.

Gopalan lúc đó mới 19 tuổi nhưng đã tốt nghiệp sớm Đại học New Delhi. Chuyến đi tới California đánh dấu lần đầu tiên rời Ấn Độ, nơi có bố mẹ và ba anh chị em của bà.

Gopalan không cô đơn. Gopalan đã may mắn khi chọn theo học ở nơi sắp trở thành thủ đô của văn hóa ngược dòng ở Mỹ. Tại đây, cô tìm thấy ngôi nhà trong cộng đồng da màu ở Vùng Vịnh, nơi cô được mọi người dang tay chào đón.

Gopalan trở thành nhà hoạt động dân quyền tích cực khi theo học ở đây. Bà đã gặp tình yêu đầu đời của mình, sinh viên kinh tế người Jamaica tên là Donald Harris, khi tham gia phong trào này. Họ kết hôn và có hai con gái, Maya và Kamala, người được ứng viên Dân chủ Joe Biden chọn làm “phó tướng” hôm 11/8.

“Gần như ngay từ khi rời Ấn Độ tới Mỹ, bà ấy đã chọn và được chào đón đến cộng đồng da màu”, Kamala Harris viết về mẹ trong cuốn tự truyện năm 2019 có tên “The Truths We Hold” (Sự thật mà chúng tôi nắm giữ).

“Tại đất nước mà bà không có gia đình, họ chính là gia đình của bà ấy và ngược lại”, Harris viết.

Gopalan và Donald Harris ly hôn khi hai con còn nhỏ, nhưng bà Gopalan vẫn tiếp tục hoạt động tích cực trong phong trào dân quyền. Kamala Harris viết rằng mẹ của bà nhận thức rõ ràng rằng mình đang nuôi hai cô con gái da màu.

Harris cho rằng mẹ của bà, qua đời năm 2009, là một trong số ảnh hưởng quan trọng nhất của cuộc đời mình, bên cạnh một số người khác đã truyền cảm hứng cho bà dấn thân vào chính trị.

Ý thức trách nhiệm công dân của Gopala có thể đã tìm được mục đích mới ở Berkeley, nhưng nó đã tôi luyện từ khi ở Ấn Độ. Rajam Gopalam, mẹ của bà Gopalan và là bà ngoại của Harris, từng là nhà ngoại giao tài giỏi của Ấn Độ.

Mẹ tôi đã lớn lên trong gia đình có truyền thống hoạt động chính trị và dân quyền. Được thừa hưởng từ ông bà ngoại, mẹ tôi đã phát triển tư duy chính trị nhạy bén. Bà có ý thức về lịch sử, đấu tranh và bất bình đẳng. Bà được sinh ra với nhận thức về công lý đã in sâu trong tiềm thức”, Harris chia sẻ.

Nhận thức về công lý phần lớn được định hình bởi P.V. Gopalan, người từng là nhân viên ngoại giao có vai trò to lớn trong nhiệm vụ tái định cư cho người tị nạn từ Đông Pakistan, hay Bangladesh ngày nay, tìm đến Ấn Độ sau khi đất nước bị chia cắt, theo Gopalan Balachandran, bác của Harris.

Balachandran cho biết cha của ông có quan điểm mạnh mẽ về các vấn đề nhân đạo và điều này đã ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình nuôi dạy Shyamala. Balachandran thêm rằng tuy bố của ông rất ít khi đưa ra lời khuyên cho con cái, nhưng luôn âm thầm ủng hộ.

Niềm tin của P.V. Gopalan đối với các con đã được minh chứng khi ông để Shyamala tới Berkeley. Balachandran cho biết thời điểm đó Shyamala là một trong số phụ nữ Ấn Độ độc thân đầu tiên được tới Mỹ du học, bởi quốc gia Nam Á này nổi tiếng có quan điểm bảo thủ “trọng nam khinh nữ”.

P.V. và Rajam Gopalan đã trở thành những người cấp tiến trong thời đại của họ. Balachandran cho biết bố mẹ ông đã đề nghị chu cấp cho năm đầu tiên Shyamala ở Mỹ và sau đó để bà tự xoay xở.

“Chúng tôi đã rất hạnh phúc”, Balachandran nói.

Ông thêm rằng ông P.V. Gopalan thường đối xử với các cháu ấm áp hơn. Khi chúng xin ông lời khuyên, P.V. Gopalan thường nói “ta sẽ cho cháu lời khuyên, nhưng hãy làm điều mà cháu cho là tốt nhất, thích nhất và có thể làm tốt nhất”.

Harris chia sẻ ông ngoại là một trong số người bà “yêu quý nhất trên thế giới”, trong cuộc phỏng vấn với Los Angeles Times năm ngoái, khi bà vẫn trong chiến dịch tranh cử trở thành ứng viên tổng thống của Dân chủ.

Harris, trong cuộc phỏng vấn năm 2009, từng chia sẻ kỷ niệm thơ ấu yêu thích nhất của bà là cùng ông ngoại đi dạo bên bờ biển ở thành phố Chennai, từng được gọi là Madras, thành phố phía nam Ấn Độ.

“Ông ấy sẽ đi dạo bên bờ biển mỗi sáng cùng những người bạn, đều là quan chức chính phủ đã nghỉ hưu, và nói chuyện về chính trị, công lý và cách chống tham nhũng”, Harris nói. “Họ thẳng thắn nói ra ý kiến của mình và vui vẻ tranh luận với nhau. Chính các cuộc nói chuyện như vậy đã đã ảnh hưởng rất lớn tới tôi để học cách sống có trách nhiệm, trung thực và liêm chính”.

Harris cũng từng khẳng định bà luôn cảm thấy thoải mái với danh tính, gốc gác của mình và chỉ đơn giản mô tả bản thân là “một người Mỹ”. Năm 2019, bà chia sẻ với tờ Washington Post rằng các chính trị gia không nên quá chú ý và bị ảnh hưởng bởi màu da hay nguồn gốc của ai đó. “Quan điểm của tôi là: Tôi là chính tôi. Tôi hài lòng với nó”, Harris nói.

Bà được bầu vào vị trí trưởng công tố quận San Francisco năm 2003, trước khi trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên đảm nhận cương vị tổng chưởng lý California.

Trong gần hai nhiệm kỳ làm tổng chưởng lý California, Harris được đánh giá là ngôi sao đang lên của đảng Dân chủ. Điều này giúp bà thắng lợi trong cuộc đua giành ghế thượng nghị sĩ bang California năm 2017.

Kể từ khi được bầu vào Thượng viện Mỹ, Harris nhận được sự ủng hộ từ những tiếng nói tiến bộ nhờ các câu hỏi chất vấn gay gắt bà đặt ra với Thẩm phán Tòa án Tối cao Brett Kavanaugh và Bộ trưởng Tư pháp William Barr trong các phiên điều trần quan trọng.

“Tôi vinh dự được thông báo rằng tôi đã chọn Kamala Harris, một chiến binh không biết sợ hãi luôn đấu tranh cho những người nhỏ bé và là một trong những công chức tốt nhất của đất nước, trở thành người liên danh tranh cử cùng tôi”, Biden viết trên Twitter ngày 11/8. “Tôi tự hào vì có cô ấy bên cạnh mình trong chiến dịch tranh cử này”.

Thông tin Harris trở thành ứng viên phó tổng thống của đảng Dân chủ đã khiến gia đình của bà cảm thấy hạnh phúc và tự hào, đặc biệt là chồng Douglas Emhoff, luật sư tại công ty luật DLA Piper. Harris và Emhoff kết hôn năm 2014 và cùng nuôi dạy hai con, Coltrane (Cole) và Ella Fitzgerald (Ella), con riêng của Emhoff với vợ cũ. Emhoff được cho luôn ủng hộ vợ trên con đường sự nghiệp nói chung và chiến dịch tranh cử của bà nói riêng.

Tuy nhiên, việc Harris trở thành phó tướng của Biden vấp phải chỉ trích gay gắt từ phía Tổng thống Donald Trump. Chưa đầy 24h sau khi Biden công bố, Trump gọi Harris là thành viên “kinh khủng nhất” Thượng viện và nói rằng ông ngạc nhiên khi Biden chọn bà.

“Tôi ngạc nhiên hơn bất cứ điều gì khác vì bà ấy quá kém cỏi”, Tổng thống Mỹ nói. “Bà ấy rất thiếu tôn trọng Joe Biden, thật gian nan khi chọn người thiếu tôn trọng mình như vậy”.

Ngoài ra, đồng minh của Trump còn cho rằng Harris quá thiên tả, quá mềm mỏng về tội phạm, là mối đe dọa cho an toàn và an ninh của các gia đình Mỹ. Một số khác đề cập tới gốc gác của Harris, khi tranh luận bà không phải người Mỹ gốc Phi, bởi có bố mẹ là người nhập cư từ Jamaica và Ấn Độ. Nhiều người ủng hộ Harris lo ngại đội ngũ của Trump sẽ khai thác vấn đề này để tìm cách hạ bệ phó tướng của Biden.

“Tin buồn là tôi cho rằng Trump sẽ quay lại các trò phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính không liên quan gì đến Kamala Harris. Tin tốt là nó sẽ không hiệu quả với cử tri vùng ngoại ô và chỉ tiếp thêm năng lượng cho các thành viên Dân chủ”, Cohristina Reynlds, phó chủ tịch về truyền thông của Emily’s List, nhóm giúp cử tri nữ ủng hộ quyền phá thai và nằm trong số liên minh chính trị bảo vệ Harris, cho biết.

Trước những lời công kích từ phía Trump và đồng minh, Biden đã lên tiếng bảo vệ Harris cũng như quyết định của mình. “Có ai bất ngờ khi Trump luôn có vấn đề với một người phụ nữ mạnh mẽ hay một phụ nữ mạnh mẽ trong chính quyền? Kamala Harris đã từng ủng hộ bạn, nhưng giờ cô ấy ủng hộ chúng tôi. Cô ấy sẽ sát cánh cùng tôi trong chiến dịch này. Tất cả chúng tôi sẽ đứng lên để bảo vệ cô ấy”, Biden nói trong sự kiện cùng Harris hôm 12/8.

Thanh Tâm (Theo CNN, Washington Post) – VnExpress

Leave a Reply