Hàng chục nghìn người Thái tuần hành ủng hộ hoàng gia

Hàng chục nghìn người bảo hoàng đã tuần hành tại nhiều tỉnh thành Thái Lan để kêu gọi phong trào biểu tình “đừng đụng vào chế độ quân chủ”.

Những người ủng hộ chế độ quân chủ ở các tỉnh Chiang Mai, Chon Buri, Lampang, Nan, Narathiwat và Songkhla hôm nay xuống đường tuần hành để bày tỏ lòng trung thành với hoàng gia Thái Lan. Một số cuộc tuần hành được tổ chức như một phần của các nghi lễ đánh dấu kỷ niệm 120 năm ngày sinh của cố công chúa Srinag Mera, bà nội của Quốc vương Maha Vajiralongkorn.

Tại Songkhla, hàng nghìn người mặc đồ màu vàng, màu của hoàng gia, đã có mặt tại các huyện Ranod và Sathing Phra. Tại Narathiwat, ước tính khoảng 20.000 người mặc áo vàng tuần hành ở huyện Sungai Kolok.

Tại thủ đô Bangkok, vài chục người cũng xuống đường ủng hộ hoàng gia. Những người này nói rằng họ thấy không có vấn đề gì với việc người biểu tình kêu gọi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức, nhưng phong trào biểu tình “không nên đụng đến Quốc vương Maha Vajiralongkorn”.

“Tôi khẩn cầu các bạn, hãy làm những gì các bạn muốn, nhưng đừng đụng đến chế độ quân chủ”, Sirimongkol Ruampan, 24 tuổi, nói. “Tôi không tin vào bạo lực. Một lần nữa tôi khẩn cầu đừng mang chế độ quân chủ vào chính trị”.

Những người theo chủ nghĩa bảo hoàng cho biết cuộc tuần hành của họ không mang tính chính trị nên không cần tuân theo lệnh cấm tụ tập trên 4 người do chính phủ áp đặt tuần trước.

Phát ngôn viên cảnh sát Yingyos Thepjumnong cho biết tất cả các nhóm tuần hành hay biểu tình sẽ được đối xử như nhau. “Chúng tôi đã sẵn sàng cho những tình huống bất ngờ lớn mỗi ngày. Chúng tôi cần cân bằng giữa việc thực thi pháp luật với hòa bình và an toàn xã hội, bất kể các cuộc tụ tập của ai”, Yingyos cho hay.

Cuộc tuần hành diễn ra trong bối cảnh hàng chục nghìn người Thái Lan đã biểu tình trong những ngày qua để phản đối chính phủ và chế độ quân chủ. Người biểu tình dự kiến tiếp tục xuống đường vào 16h hôm nay.

Các nhóm ủng hộ hoàng gia lan truyền lên mạng xã hội hashtag #WeLoveTheMonarchy (Chúng tôi yêu chế độ quân chủ) để tuyên bố lòng trung thành của họ, trong khi những người ủng hộ biểu tình đăng thông điệp chống chủ nghĩa bảo hoàng.

Các cuộc biểu tình ở Thái Lan bắt đầu từ giữa tháng 7 và đã kéo dài suốt ba tháng, buộc chính phủ phải ra sắc lệnh khẩn cấp cấm tụ tập trên 4 người, song đám đông vẫn tiếp tục tuần hành bất chấp lệnh cấm.

Người biểu tình cáo buộc Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, người lên nắm quyền sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014, đã thao túng cuộc bầu cử năm ngoái để tiếp tục nắm quyền. Tuy nhiên, Thủ tướng Thái Lan cho biết cuộc bầu cử đã diễn ra công bằng và khẳng định sẽ không từ chức.

Đám đông còn đưa ra một số yêu sách khác, như thay đổi bản hiến pháp do chính quyền quân sự soạn thảo hiện nay hay cải cách chế độ quân chủ, vốn bị cáo buộc giúp quân đội mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị trong nhiều thập kỷ. Người biểu tình cũng đề nghị hoàng gia minh bạch hơn về hồ sơ tài chính, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước lao dốc vì Covid-19.

Cung điện Hoàng gia Thái Lan có chính sách không bình luận với truyền thông và cũng không bình luận về biểu tình hoặc yêu cầu của người biểu tình. Quốc vương Vajiralongkorn hôm 16/10 chỉ nhắn gửi người dân nên “yêu đất nước và yêu chế độ quân chủ”, không đề cập đến các cuộc biểu tình.

Huyền Lê (Theo Reuters, Bangkok Post) – VnExpress

Leave a Reply