Hồ sơ Pandora phơi bày bất bình đẳng toàn cầu

Trong Hồ sơ Pandora, giới tinh hoa bị cáo buộc giấu hàng nghìn tỷ USD ở nước ngoài, né khoản thuế lớn lẽ ra có thể dùng để hỗ trợ người nghèo.

Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) hôm 3/10 công bố kết quả cuộc điều tra Hồ sơ Pandora, với gần 12 triệu tài liệu tiết lộ những giao dịch tài chính ở nước ngoài của hàng trăm người thuộc giới tinh hoa toàn cầu, bao gồm hơn 330 chính trị gia từ gần 100 nước, nhiều người nổi tiếng và lãnh đạo tôn giáo.

Họ được cho là đã sử dụng các công ty offshore (mô hình công ty ngoại biên, đăng ký và hoạt động ở nước ngoài) hoặc những phương thức “lách luật” khác để che giấu của cải và các khoản đầu tư vào biệt thự, bất động sản ven biển, du thuyền và tài sản khác mà gần như không bị đánh thuế theo quy định ở nước sở tại.

“Hồ sơ Pandora đề cập đến những cá nhân sử dụng các thiên đường thuế để tránh phải nộp thuế”, Steve Wamhoff, chuyên gia tại Viện Chính sách Kinh tế và Thuế ở Washington, Mỹ, cho hay.

“Trong vụ này, chúng ta nhìn thấy không phải vài triệu USD, mà là hàng nghìn tỷ USD”, giám đốc ICIJ Gerard Ryle phát biểu trong video đi kèm những tài liệu được công bố. Do khối lượng tài liệu quá lớn, các nhà báo hiện chưa chắc chắn tổng số tài sản bị che giấu, nhưng ước tính có thể từ 5,6 nghìn tỷ USD đến 32 nghìn tỷ USD.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết việc giới siêu giàu lợi dụng các thiên đường thuế khiến các chính phủ trên toàn thế giới mất tới 600 tỷ USD tiền thuế mỗi năm. “Số tiền bị giấu ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của bạn, đến việc tiếp cận giáo dục, y tế, nhà ở của con cái bạn”, Lakshmi Kumar, thành viên tổ chức Liêm chính Tài chính Toàn cầu tại Mỹ, đánh giá.

Hầu hết chính trị gia, người nổi tiếng có tên trong Hồ sơ Pandora đến từ những nước thu nhập thấp hoặc trung bình, như Brazil, Bờ Biển Ngà, Gabon, Ấn Độ, Pakistan hay Sri Lanka.

“Nếu nhìn vào các cá nhân trong danh sách, bạn sẽ thấy họ chủ yếu là công dân những quốc gia có mức độ bất bình đẳng cao hàng đầu. Thực sự có những nơi mà người dân đang chết đói, xếp hàng mua thực phẩm, trong khi lãnh đạo của họ sở hữu tài sản xa hoa ở nước ngoài”, Maira Martini, chuyên gia nghiên cứu về rửa tiền tại Tổ chức Minh bạch Quốc tế trụ sở ở Berlin, Đức, nhận xét.

Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta là một trong những lãnh đạo có tên trong Hồ sơ Pandora, cùng 6 thành viên trong gia đình ông. Các tài liệu cáo buộc họ kiểm soát một mạng lưới công ty và tổ chức offshore tại Panama và Quần đảo British Virgin, trị giá hơn 30 triệu USD.

Gia đình Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cũng bị cáo buộc liên quan đến những thương vụ mua bán tài sản trị giá hàng trăm triệu USD tại Anh. Theo Hồ sơ Pandora, một cậu bé 12 tuổi người Azerbaijan là Heydar Aliyev năm 2009 đã đứng tên sở hữu 9 biệt thự trị giá 44 triệu USD ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Cậu bé này trùng tên, ngày sinh với con trai Tổng thống Aliyev.

Tổng thống Sebastian Pinera của Chile, quốc gia có chỉ số bất bình đẳng cao nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cũng xuất hiện trong Hồ sơ Pandora. Ông bị cáo buộc liên quan đến hơn 100 triệu USD nằm trong những công ty bình phong tại Quần đảo British Virgin.

“Những việc này có tác động vô cùng tàn khốc. Số tiền đáng lẽ được sử dụng cho các dịch vụ công như y tế, giáo dục và nhà ở cuối cùng bị đổ vào những biệt thự, du thuyền và các mặt hàng xa xỉ khác ở nước ngoài. Tình trạng đó thật đáng lo ngại”, Martini nêu quan điểm.

Oxfam, liên minh từ thiện quốc tế được thành lập tại Anh, hoan nghênh việc công bố Hồ sơ Pandora vì giúp phơi bày những hành vi được cho là gây tổn hại nguồn thuế của các quốc gia, số tiền có thể dùng để tài trợ những chương trình và dự án vì lợi ích cộng đồng lớn hơn.

“Những bệnh viện thiếu trang thiết bị, các gói lương dành cho giáo viên, lính cứu hỏa… mà chúng ta cần đều nằm ở đó. Mỗi khi một chính trị gia hoặc lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng không có tiền để khắc phục thiệt hại vì khí hậu và đổi mới, để tăng số lượng và chất lượng việc làm, để phục hồi một cách công bằng hậu Covid-19 hay viện trợ nước ngoài nhiều hơn, họ đều biết số tiền đó nằm ở đâu”, tuyên bố của Oxfam có đoạn.

Vài năm gần đây, những tổ chức quốc tế như nhóm các nước phát triển G7, hay tổ chức phi chính phủ Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính, đã bắt đầu các sáng kiến nhằm cải thiện tính minh bạch về quyền sở hữu, nhưng nỗ lực này diễn ra với tốc độ khá chậm.

Sau khi Hồ sơ Pandora được công bố, Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ đang chuẩn bị những dự luật mới để tăng cường minh bạch về thuế, củng cố cuộc chiến chống trốn thuế. Hạ viện Mỹ hồi mùa hè cũng thông qua dự luật đòi hỏi các tập đoàn đa quốc gia công khai các khoản thanh toán thuế, cùng thông tin tài chính quan trọng khác ở từng nước.

Các thiên đường thuế cũng đã bị giám sát đáng kể trong năm nay. Hồi tháng 7, các nhà đàm phán từ 130 quốc gia nhất trí mức thuế tối thiểu toàn cầu ít nhất là 15%, nhằm ngăn các tập đoàn đa quốc gia lớn cắt giảm khoản thuế phải đóng bằng cách chuyển lợi nhuận sang những khu vực pháp lý thuế thấp, như Bermuda và Quần đảo Cayman.

Đây là kế hoạch của OECD, dự kiến có hiệu lực vào năm 2023. Tuy nhiên, các công ty bình phong và thực thể khác đằng sau những phương thức giấu tài sản được đề cập trong Hồ sơ Pandora không nằm trong kế hoạch này.

“Các dữ liệu mới bị rò rỉ phải đóng vai trò là hồi chuông cảnh tỉnh. Tình trạng trốn thuế toàn cầu đã làm trầm trọng bất bình đẳng toàn cầu. Chúng ta cần mở rộng và đào sâu những biện pháp ứng phó ngay bây giờ”, Sven Giegold, nghị sĩ thuộc đảng Xanh tại Nghị viện châu Âu, kêu gọi.

Ánh Ngọc (Theo NPR, AP, Euronews) – VnExpress

Leave a Reply