Lằn ranh mong manh sau vụ chặt đầu người phụ nữ ở Pháp

Những vụ tấn công gần đây phô bày cách biệt giữa một quốc gia có truyền thống tự do ngôn luận và những người dân theo đạo Hồi, cùng lằn ranh mong manh giữa châm biếm và xúc phạm.

Hôm 29/10, người dân Pháp bàng hoàng trước vụ tấn công bằng dao khiến 3 người thiệt mạng tại Nhà thờ Đức Bà ở trung tâm thành phố Nice. Kẻ cầm dao đã chặt đầu một phụ nữ, sát hại hai người và khiến nhiều người khác bị thương.

Thị trưởng Nice Christian Estrosi mô tả đây là một vụ khủng bố có diễn biến tương tự vụ chặt đầu giáo viên Samuel Paty ở Paris hôm 16/10. Ông Paty bị sát hại sau khi sử dụng tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed trong quá trình giảng dạy.

Bức biếm họa nói trên là sản phẩm của tạp chí Charlie Hebdo, cái tên quen thuộc với nhiều người Pháp. Vào năm 2015, một nhóm khủng bố đã tấn công tòa soạn của tạp chí Charlie Hebdo tại Paris và sát hại 12 người. Những kẻ tấn công cho biết đây là hành động trả thù do tạp chí từng xuất bản nhiều ấn phẩm chế giễu đức tin của người Hồi giáo vào năm 2012.

CNN nhận định rằng các vụ tấn công được coi là hồi chuông cảnh tỉnh đối với xã hội đương thời ở Pháp, nơi thường xuyên lạm dụng quyền tự do ngôn luận để xúc phạm đời sống tinh thần của người Hồi giáo.

Trên thực tế, có đến 5 triệu người theo đạo Hồi đang sinh sống ở Pháp song phần lớn đều sống trong cảnh nghèo đói và không có tiếng nói trong các vấn đề chính trị, xã hội.

Người Hồi giáo tại Pháp

Theo các chuyên gia về xã hội học, hầu hết người Hồi giáo ở Pháp không ủng hộ chủ nghĩa cực đoan nhưng thường xuyên phải đối mặt với những định kiến không công bằng.

Myriam Francois, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Hồi giáo SOAS thuộc Đại học London, nhận xét: “Tại Pháp, tư tưởng bài xích người Hồi giáo dần tác động đến chính giới và truyền thông đại chúng. Nhiều người coi tội phạm ở vùng ngoại ô là vấn đề về tôn giáo, thay vì vấn đề về kinh tế xã hội”.

Trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào năm 2017, hai ứng viên, gồm Tổng thống hiện tại Emmanuel Macron và người lãnh đạo Mặt trận Pháp Marine Le Pen, đã có phiên tranh luận về chủ nghĩa chống Hồi giáo. Dù ông Macron giành được chiến thắng chung cuộc, có tới 10 triệu cử tri đã ủng hộ bà Le Pen, người có tư tưởng chống nhập cư và chống người theo đạo Hồi.

Aurelien Mondon, nhà nghiên cứu về chủ nghĩa dân túy cực hữu tại Đại học Bath, miêu tả thái độ bài xích của người Pháp “một cú đấm” vào nhóm thiểu số gặp nhiều khó khăn.

“Pháp từ lâu đã nổi tiếng về nghệ thuật châm biếm, vốn có khả năng gây tác động mạnh mẽ – như tạp chí Charlie Hebdo. Trong những năm gần đây, tư tưởng châm biếm ảnh hưởng sâu sắc lên đời sống của người Hồi giáo, khiến họ bị kỳ thị và phân biệt đối xử”, chuyên gia Mondon phân tích.

Ông Mondon tiếp tục chỉ ra sai lầm của xã hội Pháp thời hiện đại: “Luật pháp từ năm 1905 đã nêu rõ hình phạt nếu một cá nhân ép buộc hoặc ngăn cản người khác theo tôn giáo. Giờ đây, chúng ta lại thấy phụ nữ và trẻ em gái theo đạo Hồi phải cởi bỏ khăn trùm đầu”.

Châm biếm là bản sắc Pháp?

Pháp nổi tiếng là xứ sở của quyền tự do ngôn luận và không ai có thể biện minh cho việc tàn sát các nhà báo, họa sĩ của tạp chí Charlie Hebdo. Sau vụ tấn công vào năm 2015, người dân Pháp tiếp tục ủng hộ quyền tự do phát ngôn với khẩu hiệu #JeSuisCharlie (Tạm dịch: Chúng tôi là Charlie).

Dù vậy, CNN cũng bình luận không nên lạm dụng quyền lợi này để gia tăng thái độ thù địch với người Hồi giáo. Nhà nghiên cứu Myriam Francois nhận xét: “Chúng ta bàng hoàng trước các vụ giết người nhưng những gì tạp chí Charlie Hebdo xuất bản thật sự mang tính xúc phạm”.

Bà Francois tiếp tục phân tích: “Giờ đây, nhiều người ngộ nhận hành động xúc phạm như Charlie Hebdo là một phần bản sắc của Pháp. Quan điểm ngày càng phổ biến là: bạn không hoàn toàn là người Pháp nếu không ủng hộ Charlie Hebdo”.

Xung đột tôn giáo tại Pháp chỉ thêm phần căng thẳng khi Tổng thống Emmanuel Macron công khai ủng hộ quyền xuất bản của tạp chí Charlie Hebdo. Nói cách khác, hệ thống giáo dục của nước này đang đồng tình với hành động sử dụng tranh biếm họa về Nhà tiên tri Mohammed. Chỉ mới tuần trước, các tòa nhà ở Toulouse và Montpellier còn trình chiếu những ấn phẩm xúc phạm người theo đạo Hồi.

Trước tình hình này, nhiều nhà lãnh đạo từ các quốc gia Hồi giáo đã bày tỏ phản ứng dữ dội. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cáo buộc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phân biệt đối xử với người Hồi giáo, đồng thời đặt câu hỏi: “Liệu ông Macron có cần điều trị tâm thần hay không”. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ còn cân nhắc việc kêu gọi người dân trên toàn cầu tẩy chay hàng hóa của Pháp.

Thủ tướng Pakistan Imran Khan cũng chỉ trích hành động thù địch của ông Macron. Trong khi đó, phát ngôn viên từ Điện Elysee, Pháp, chỉ nhận xét các đòn tấn công của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ “gây nguy cơ về nhiều mặt”.

Nhà nghiên cứu Aurelien Mondon bình luận: “Nếu chúng ta không thảo luận về các vấn đề xã hội mà Pháp đang phải đối mặt, chúng ta sẽ chia cắt nước Pháp thành 2 nửa: một bên là người Hồi giáo, một bên là người Pháp. Sự chia rẽ này chính là điều mà các nhóm khủng bố mong muốn”.

Uyên Uyên – Zing

Leave a Reply