LHQ kêu gọi Myanmar ngừng trấn áp biểu tình

Đặc phái viên LHQ kêu gọi Hội đồng Bảo an hành động trước vấn đề Myanmar, đáp lại những lời khẩn cầu của người dân.

“Myanmar cần sự đoàn kết của các bạn hơn bao giờ hết. Hoạt động trấn áp phải ngừng lại”, đặc phái viên Liên Hợp Quốc phụ trách vấn đề Myanmar Christine Schraner Burgener nói trong phiên họp của Hội đồng Bảo an ngày 5/3. Burgener cho biết nhận được khoảng 2.000 tin nhắn kêu gọi quốc tế hành động từ Myanmar mỗi ngày.

“Hy vọng mà họ đặt vào Liên Hợp Quốc cùng các thành viên tổ chức đang suy yếu. Tôi nghe thấy những lời khẩn cầu tuyệt vọng trực tiếp từ các bà mẹ, học sinh và người cao tuổi”, Burgener nói. “Cộng đồng quốc tế không nên hợp pháp hóa hoặc công nhận một thể chế được thiết lập bằng vũ lực”.

Tuy nhiên, Burgener không hối thúc các lệnh trừng phạt nhằm vào chính quyền do quân đội Myanmar thành lập sau khi lực lượng này bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và dùng vũ lực trấn áp biểu tình dai dẳng, khiến hơn 50 người thiệt mạng.

Quân đội Myanmar từng được Trung Quốc, thành viên Hội đồng Bảo an LHQ có quyền phủ quyết, ủng hộ trong lịch sử. Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về cuộc đảo chính song không tham gia cùng các nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào quân đội và chính quyền quân sự Myanmar.

Các nhà ngoại giao cho biết không có khả năng Hội đồng Bảo an thông qua bất cứ biện pháp nào nhằm vào chính quyền quân sự Myanmar, như đề xuất cấm vận vũ khí toàn cầu. Phiên họp của Hội đồng Bảo an do Anh đề xuất kết thúc mà không có tuyên bố nào, các nhà ngoại giao cho biết các cuộc tham vấn sẽ tiếp tục trong tuần tới.

“Chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm các biện pháp trừng phạt cấp quốc gia và sẵn sàng xem xét các biện pháp khả thi theo Hiến chương Liên Hợp Quốc nếu tình hình xấu đi”, đại sứ Anh tại LHQ Barbara Woodward cho biết sau cuộc họp. “Bất cứ biện pháp bổ sung nào đều sẽ cần tất cả thành viên Hội đồng Bảo an chấp thuận”.

Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân nói nước này muốn trở thành “láng giềng thân thiện của Myanmar”. “Chúng tôi không muốn chứng kiến bất ổn hay hỗn loạn ở Myanmar”, ông Trương nói.

“Các thông điệp và biện pháp của cộng đồng quốc tế sẽ có lợi cho các bên ở Myanmar trong việc thu hẹp các khác biệt và giải quyết vấn đề, đồng thời tránh làm leo thang căng thẳng hoặc phức tạp tình hình”, đại sứ Trung Quốc cho biết.

Nguyễn Tiến (Theo AFP) – VnExpress

Leave a Reply