Lý do Ấn Độ hỏa táng người chết

Những khu hỏa táng trên khắp Ấn Độ rực lửa suốt ngày đêm giữa Covid-19, khi mọi người tin đây là cách giúp giải thoát linh hồn người chết.

Các lò hỏa táng ở Ấn Độ vận hành hết công suất khi quốc gia tỷ dân này hứng chịu làn sóng Covid-19 thứ hai, đến mức nhiều bộ phận kim loại của lò thiêu bị nóng chảy, hay ống khói bị nứt và đổ sập sau khi hoạt động 20 tiếng mỗi ngày trong 14 ngày liên tiếp.

“Chúng tôi làm việc suốt ngày đêm. Các lò hỏa táng đã hoạt động hết công suất nhưng rất nhiều người vẫn phải chờ đợi bên các thi thể cho nghi thức mai táng cuối cùng này”, một nhân viên hỏa táng ở Lucknow, thành phố phía bắc Ấn Độ, nói.

Tại thủ đô New Delhi, chính quyền đã yêu cầu các khu hỏa táng tăng khả năng tiếp nhận lên gấp đôi hoặc nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn phải chờ đợi mòn mỏi bên ngoài trên những chiếc xe cứu thương xếp hàng dài. Tại một số nơi, xác chết nằm dọc bên đường trong nhiều giờ.

Nigambodh Ghat, một trong những khu hỏa táng lớn nhất ở New Delhi và liên kết với 6 bệnh viện trong thành phố, đã tăng số giàn thiêu từ 36 lên 63, nhưng vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu.

“Bất kỳ ai tới cũng phải chờ ít nhất vài giờ”, một nhân viên y tế mang thi thể người chết vì Covid-19 tới khu hỏa táng cho hay.

Nhiều khu hỏa táng ở Ấn Độ rơi vào cảnh quá tải, không chỉ do số ca tử vong vì Covid-19 tăng đột biến trong thời gian qua, mà còn vì phong tục hỏa táng người chết ở nước này.

Nhiều tôn giáo phương Đông không chôn người chết, thay vào đó, họ hỏa táng thi thể. “Theo tôn giáo của người Hindu, linh hồn không thể được giải thoát hoàn toàn nếu không có lửa”, Braj Kishore Pandey, một người dân ở ngoại ô thủ đô New Delhi, nói.

Chết trong tiếng Phạn là “dehanta”, có nghĩa là “sự kết thúc của xác phàm”, chứ không phải là kết thúc cuộc sống. Một trong những nguyên lý trọng tâm của triết học Hindu là sự phân tách rạch ròi giữa cơ thể và linh hồn. Người Hindu tin rằng cơ thể chỉ là vật chứa tạm thời của một linh hồn bất tử ở phàm trần. Khi một người chết đi, cơ thể bị phân hủy nhưng linh hồn vẫn sống mãi. Linh hồn sẽ tiếp tục hành trình sinh ra, chết đi và tái sinh cho tới khi được siêu thoát.

Người Hindu cũng tin rằng linh hồn vẫn gắn liền với cơ thể sau khi một người qua đời và bằng cách hỏa táng thi thể, linh hồn mới có thể được giải thoát.

Một trong những người không thể thiếu tại các khu hỏa táng ở Ấn Độ là “Dom”, người trông coi và giữ lửa cho các giàn thiêu. “Một người không thể bước vào cánh cửa thiên đàng nếu thi thể của họ được hỏa táng mà không có sự hiện diện của Dom”, Yamuna Devi, người trông coi khu hỏa thiêu Harishchandra ở thành phố Varanasi, bang Uttar Pradesh, cho hay.

Sau khi thi thể được bọc vải trắng và phủ đầy hoa được đặt lên giàn thiêu chất đầy củi, những Dom như Devi sẽ có mặt, trao ngọn đuốc cho con trai của người chết. Khi người này đi quanh giàn thiêu và châm lửa, họ hàng đứng dõi theo trong im lặng.

Theo thần thoại của người Hindu, các Dom đã bị Thần Shiva nguyền rủa vì một thành viên trong cộng đồng của họ tên Kallu Dom đã cố đánh cắp chiếc khuyên tai của nữ thần Parvati. Để được tha thứ, họ đồng ý trở thành người giữ lửa.

Để giải phóng hoàn toàn linh hồn khỏi các ràng buộc phàm trần, sau khi thiêu, tro và những mảnh xương còn lại của người chết được thả xuống sông hoặc biển, và thường là một địa điểm linh thiêng như bờ sông Hằng.

Ketika Garg, nghiên cứu sinh Đại học California ở thành phố Merced, Mỹ, cho hay trong quan niệm của người Hindu, thi thể được thiêu chỉ đơn giản là một cái xác phàm, không còn là người thân của họ.

“Nghi thức giải thoát linh hồn người chết khỏi các ràng buộc với thể xác cũng được xem là lời nhắc nhở người còn sống buông bỏ những ràng buộc với người đã chết”, Garg cho biết.

Thanh Tâm (Theo The Conversation, Independent, Reuters) – VnExpress

Leave a Reply