Mỹ tăng hiện diện quân sự khắp châu Á để chống lại Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nhấn mạnh Trung Quốc không có quyền biến các vùng biển quốc tế thành khu vực độc chiếm hoặc thành đế chế hàng hải của riêng họ.

Mỹ đang trang bị và phân bố lực lượng của nước này khắp châu Á để có thể đối đầu với Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cho biết trong bài phát biểu về khía cạnh quân sự trong lập trường cứng rắn của chính quyền Trump với Bắc Kinh, theo Wall Street Journal.

Phát biểu từ Lầu Năm Góc trong sự kiện trực tuyến được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, ông Esper cho biết Mỹ sẽ tiếp tục đưa tàu hải quân đến khu vực để chống lại chính sách bành trướng của Trung Quốc và bán vũ khí cho Đài Loan, nơi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Cạnh tranh công khai

Ông Esper nói ông sẵn sàng đối thoại và dự định đến thăm Trung Quốc vào cuối năm. Ông nói ông hy vọng chuyến đi như vậy sẽ “thiết lập các hệ thống cần thiết cho việc liên lạc lúc khủng hoảng và củng cố ý định của chúng tôi về cạnh tranh công khai trong hệ thống quốc tế”.

Ông Esper là người mới nhất trong số nhiều quan chức cấp cao của chính quyền Trump trong tháng qua phát biểu công khai về những thách thức mà chính phủ Trung Quốc đặt ra cho Mỹ và trật tự quốc tế.

Chính quyền Trump đã gia tăng áp lực đối với Bắc Kinh trong hầu hết lĩnh vực, từ thuế quan trong thương mại đến các lệnh trừng phạt đối với các công ty và quan chức.

Chính phủ Mỹ hôm 21/7 cáo buộc hai công dân Trung Quốc âm mưu cấu kết với tình báo Trung Quốc để đánh cắp tài sản trí tuệ từ hàng loạt công ty trên toàn thế giới, bao gồm những nơi đang nghiên cứu phương pháp điều trị Covid-19.

Đây là cáo buộc mới nhất về hoạt động tấn công mạng do Trung Quốc hậu thuẫn mà chính quyền Trump đưa ra.

Ngoại trưởng Mike Pompeo, có mặt tại London hôm 21/7 để gặp các nhà lãnh đạo Anh, cho biết ông và Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã bắt đầu trao đổi tập trung vào vấn đề “thách thức từ Trung Quốc” và đại dịch virus corona, bắt nguồn từ Vũ Hán.

Ông Pompeo cho biết họ cũng thảo luận về Hong Kong, đặc khu hành chính của Trung Quốc từng là thuộc địa của Anh, nơi Bắc Kinh đã áp đặt luật an ninh quốc gia gây tranh cãi.

Ông ca ngợi chính phủ Anh về quyết định loại nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies khỏi mạng 5G tại Anh. Quyết định được đưa ra sau quá trình vận động hành lang kéo dài của Mỹ.

Trung Quốc bắt nạt láng giềng

Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Esper cho biết Trung Quốc đã bắt nạt các đồng minh và đối tác khu vực trước tiềm năng doanh thu từ dầu khí lên tới 2,6 nghìn tỷ USD, bất chấp hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của Mỹ tại khu vực.

Năm 2019, Mỹ đã tiến hành nhiều hoạt động hơn để khẳng định quyền tự do hàng hải ở Biển Đông so với bốn thập kỷ trước, ông Esper nói. Đầu tháng này, hai tàu sân bay Mỹ đã tổ chức tập trận ở đó, lần đầu tiên kể từ năm 2012.

“Chính sách này bảo vệ một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở, nơi tất cả quốc gia khác nhau trong khu vực có thể chung sống và thịnh vượng trong hòa bình, và nói rõ rằng [Trung Quốc] không có quyền biến các vùng biển quốc tế thành khu vực độc quyền hoặc thành đế chế hàng hải của riêng họ”, ông Esper nói.

Nếu ông Esper đến Bắc Kinh, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông với tư cách là bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Năm 2018, lãnh đạo Lầu Năm Góc khi đó Jim Mattis đã đến thăm Bắc Kinh, và ông là bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đầu tiên làm vậy kể từ năm 2014.

Ông Esper phát biểu chỉ vài ngày sau khi Mỹ tuyên bố các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp. Đây được xem là thách thức trực tiếp một cách khác thường của Washington đối với các nỗ lực của Bắc Kinh trong việc cố giành quyền kiểm soát tại vùng biển chiến lược.

“Chúng tôi đang nói rõ rằng: Yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi trong hầu hết phạm vi Biển Đông, cũng như chiến dịch bắt nạt để kiểm soát chúng, là hoàn toàn bất hợp pháp”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết trong một tuyên bố hồi đầu tháng này.

Ông Esper hôm 21/7 cũng cho biết Mỹ sẽ bán vũ khí cho Đài Loan, động thái có khả năng làm gia tăng căng thẳng vì Trung Quốc coi việc bán hàng như vậy là vi phạm chủ quyền của họ.

Chính quyền Trump đã phê duyệt khoảng 10 tỷ USD vũ khí bán cho Đài Loan, bao gồm một khoản trị giá 180 triệu USD hồi tháng 5.

“Tôi không nghĩ bất cứ ai ở Đài Loan đều tin rằng vào thời điểm này, Trung Quốc có bất kỳ ý định nào về việc duy trì mô hình một quốc gia hai chế độ của họ”, ông Mr. Esper nói, đề cập đến khẩu hiệu mà Bắc Kinh áp dụng để quản lý Hong Kong và nói đây là hình mẫu cho Đài Loan. Ông nói Trung Quốc đã “hung hăng hơn” đối với Đài Loan.

Ông cũng cho biết quân đội Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động tự do hàng hải xuyên eo biển Đài Loan. USS Russell, một khu trục hạm của Hải quân Mỹ, đã đi qua eo biển Đài Loan vào tháng trước.

Đông Phong – Zing

Leave a Reply