Mỹ tuyên bố Viện Khổng Tử là phái bộ nước ngoài

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stillwell trả lời truyền thông tại Seoul, Hàn Quốc, tháng 11/2019. Ảnh: Reuters.

Bộ Ngoại giao Mỹ coi các Viện Khổng Tử của Trung Quốc ở nước này là phái bộ nước ngoài và phải cung cấp thông tin nhân sự, tài chính.

“Chúng tôi yêu cầu họ cho chúng tôi biết họ đang làm gì tại Mỹ. Chúng tôi không yêu cầu họ đóng cửa. Chúng tôi chỉ đơn giản chỉ định họ như những gì họ đang có, như những phái bộ nước ngoài”, David Stilwell, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết hôm 13/8.

Stilwell nói thêm việc yêu cầu các Viện Khổng Tử Trung Quốc phải báo cáo chi tiết thông tin nhân sự và kê khai tường tận các tài sản của họ ở Mỹ được dựa trên Đạo luật Phái bộ Nước ngoài năm 1982 (FMA).

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ ví động thái này tương tự những hạn chế mới được áp đặt với văn phòng đại diện của các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc tại Mỹ.

“Quá trình chúng tôi thực hiện với các phương tiện truyền thông và những thực thể khác đến nay đã cải thiện đáng kể cái nhìn về những gì truyền thông nhà nước Trung Quốc đang làm”, Stilwell nói.

Các Viện Khổng Tử ở Mỹ hiện chưa bình luận về động thái của Bộ Ngoại giao nước này.

Khoảng 75 Viện Khổng Tử của Trung Quốc đang hoạt động tại Mỹ. Nước này cũng có khoảng 500 “Lớp học Khổng Từ”, trải dài từ cấp mẫu giáo tới trung học phổ thông.

Nhiều trường học Mỹ đã dừng chương trình học của Viện Khổng Tử kể từ khi Hiệp hội Học giả Quốc gia (NAS) công bố một báo cáo năm 2017, chỉ trích mức độ kiểm soát của chính phủ Trung Quốc khi chọn giảng viên và tài liệu giảng dạy trong các lớp học này.

Tuy nhiên, một số tổ chức học thuật lớn và uy tín nhất của Mỹ, gồm Đại học Stanford, Đại học California, Đại học Michigan và Đại học Columbia, vẫn tiếp tục cung cấp chương trình học của Viện Khổng Tử. Hiện chưa trường nào trong số này bình luận về thông tin từ Bộ Ngoại giao.

Tính đến 2018, Trung Quốc đã thành lập 548 viện và gần 2.000 lớp học Khổng Tử ở 154 quốc gia, phần lớn các cơ sở nằm trong khuôn viên các trường đại học hoặc các tổ chức ở nước ngoài. Viện Khổng Tử được thành lập với mục tiêu giảng dạy ngôn ngữ, truyền bá văn hóa Trung Quốc và được xem là một trong những phương tiện nhằm phát huy sức mạnh mềm của nước này.

Nhiều quốc gia như Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Thụy Điển đã dừng chương trình của Viện Khổng Tử. Trung Quốc nhiều lần tuyên bố Viện Khổng Tử là chương trình trao đổi giáo dục, văn hoá hoàn toàn bình thường, việc đóng cửa các viện là quyết định mang tính chính trị. Nước này cũng dự kiến đổi tên viện thành Trung tâm Hợp tác và Đào tạo Ngôn ngữ sau khi vấp phải làn sóng phản đối.

Ngọc Ánh (Theo SCMP) – VnExpress

Leave a Reply