Nhật Bản lo ngại rằng nếu áp lệnh trừng phạt với quân đội Myanmar, họ có thể mất đi mối quan hệ, ảnh hưởng và lợi ích dày công xây dựng.
Việc 18 người biểu tình bị bắn chết ở Myanmar hôm 28/2 đang gia tăng áp lực lên các chính phủ nước ngoài sử dụng ảnh hưởng của mình để yêu cầu quân đội Myanmar thả các lãnh đạo dân cử, bao gồm Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và khôi phục chính quyền dân chủ ở quốc gia này.
Tại châu Á, Nhật Bản là một trong những quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất với Myanmar, nhưng họ đối mặt với thế khó xử: nếu trừng phạt quân đội Myanmar như Mỹ đã làm, nước này có thể mất kết nối và đòn bẩy với các lãnh đạo quân đội Myanmar. Là bên đầu tư chủ chốt ở Myanmar, họ cũng có thể đánh mất lợi ích kinh doanh và lợi thế cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc.
“Nhật Bản và Mỹ có chung mục tiêu là đưa Myanmar trở lại nền dân chủ”, Katsuyuki Imoto, nhà hoạt động làm việc ở Myanmar trong thập kỷ qua, cho biết. “Nhưng Mỹ có cách làm của họ, Nhật Bản cũng có cách riêng của mình. Vì vậy, chúng tôi có vai trò khác nhau”.
Imoto là một minh chứng về cách Nhật Bản đã làm việc đằng sau hậu trường để xoa dịu xung đột, kết bạn và giành ảnh hưởng ở Myanmar. Ông từng là một nhà sư sống ba năm trong rừng rậm ở Myanmar, tổ chức các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn giữa các nhóm dân tộc vũ trang với quân đội Myanmar mà họ đã chiến đấu trong nhiều thập kỷ để đòi quyền tự trị.
Trong các cuộc đàm phán này, họ cho phép Imoto khai quật hài cốt của binh lính Nhật Bản và Mỹ ở những vùng xa xôi của đất nước mà người ngoài thường không thể tiếp cận. Một số hài cốt đã được hồi hương về Nhật Bản.
Đóng vai trò kiến tạo hòa bình tương tự là Yohei Sasakawa, đặc phái viên của chính phủ Nhật Bản tại Myanmar và là người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận Nippon Foundation. Tháng 12/2020, ông làm trung gian để phiến quân Quân đoàn Arakan và quân đội đạt được lệnh ngừng bắn ở bang Rakhine. Ông từng gặp thống tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh Myanmar, người lãnh đạo cuộc đảo chính hồi tháng trước, và bà Suu Kyi.
Imoto tin rằng Nhật Bản nên sử dụng ảnh hưởng và mối liên hệ của mình để thúc đẩy Myanmar hướng tới nền dân chủ, còn áp đặt lệnh trừng phạt chỉ nên là biện pháp bất đắc dĩ.
“Nếu Nhật cũng tham gia áp đặt lệnh trừng phạt, chúng ta có thể mất các kênh liên lạc đang có”, ông lập luận. “Điều chúng ta nên tiến hành bây giờ là làm trung gian giữa quân đội Myanmar với người Mỹ và châu Âu”.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã thảo luận với nhau về cuộc đảo chính. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Ichiro Maruyama, đại sứ Nhật Bản tại Myanmar, đã cố gắng thuyết phục quân đội thả các lãnh đạo đang bị giữ và khôi phục chế độ dân chủ.
Nhận thức được ảnh hưởng của Nhật Bản, những người biểu tình chống đảo chính ở Myanmar gần đây tập trung trước đại sứ quán nước này, kêu gọi Tokyo can thiệp. Maruyama nói với những người biểu tình rằng Nhật Bản sẽ “không phớt lờ tiếng nói của người dân Myanmar”.
Nhật Bản đã duy trì mối quan hệ tốt đẹp với quân đội Myanmar trong nhiều thập kỷ, trong cả thời kỳ chính quyền quân sự bị các quốc gia phương Tây xa lánh và cô lập.
Mối quan hệ của Nhật Bản với quân đội Myanmar bắt đầu từ khi tướng Aung San, cha của bà Suu Kyi, thành lập quân đội Myanmar năm 1941 với sự giúp đỡ từ đế quốc Nhật Bản. Cả hai đều muốn đánh đuổi thực dân Anh khỏi Myanmar. Nhưng Nhật Bản sau đó chiếm đóng Myanmar trong suốt thời gian còn lại của Thế chiến II và Aung San đã quay sang kháng Nhật.
“Tầm quan trọng của Myanmar đối với Nhật Bản một phần mang tính lịch sử, nhưng phần lớn hơn là do cạnh tranh địa chính trị giữa Nhật Bản và Trung Quốc”, Maiko Ichihara, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Nhật Bản tại Đại học Hitotsubashi ở Tokyo và là học giả thỉnh giảng tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nói.
Ichihara cho rằng sự cạnh tranh với Trung Quốc vừa thúc đẩy vừa kìm hãm sự ủng hộ của Nhật Bản đối với nền dân chủ ở Myanmar, nơi quân đội đã để cho chính phủ bán dân sự tiếp quản quyền lực từ năm 2010, một phần nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Sự trỗi dậy của chính quyền dân sự đã tạo ra không gian cho những người Nhật như Imoto và Sasakawa tham gia vào các nỗ lực đàm phán lệnh ngừng bắn giữa quân đội với phiến quân, tạo điều kiện để Nhật Bản trở thành một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Myanmar. Trong số các nền kinh tế phát triển trên thế giới, Nhật Bản cũng là nhà viện trợ phát triển hàng đầu của Myanmar.
Tuy nhiên, Ichihara nói Tokyo đã thận trọng trong việc thúc đẩy các giá trị chính trị, vì sợ rằng “nếu Nhật Bản cố gắng thúc đẩy đất nước hơn nữa theo hướng dân chủ hóa, quân đội Myanmar có thể phản ứng dữ dội” và điều đó khiến Nhật Bản mất đi ảnh hưởng.
Nhật Bản muốn cạnh tranh với Trung Quốc và trong nhiệm kỳ đầu tiên của cựu thủ tướng Shinzo Abe năm 2006-2007, Tokyo đã vạch ra một “Vòng cung Tự do và Thịnh vượng” bao trùm nhiều quốc gia châu Á, nhưng không có Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ hai của Abe, chính sách này được gọi là “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, chính quyền Trump và Biden cũng thúc đẩy chính sách này.
Quan niệm của Nhật Bản về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở “không phải là về dân chủ hay nhân quyền” mà là về thương mại tự do và các tuyến đường biển rộng mở, Derek Mitchell, chủ tịch Viện Dân chủ Quốc gia, cựu đại sứ Mỹ tại Myanmar, cho biết. Theo Mitchell, nếu Nhật Bản không có động thái quyết liệt với quân đội Myanmar thì “quân đội Myanmar chỉ cần chờ cho khủng hoảng qua đi hoặc họ sẽ không cảm nhận được sức nóng áp lực”.
Dù vậy, Mitchell cho rằng Tokyo vẫn có thể có cách thúc giục quân đội Myanmar. “Nhật Bản không cần phải theo chân Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt. Họ chỉ cần làm cho quân đội Myanmar tin rằng họ có thể làm vậy”, chuyên gia này nói.
Phương Vũ (Theo NPR) – VnExpress