Thiếu điện đe dọa cam kết ‘cứu Trái Đất’ của Trung Quốc

Khói bốc lên từ một nhà máy điện than ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, hồi năm 2019. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc cam kết giảm phát thải carbon, song nước này hiện phụ thuộc rất lớn vào than đá, đặc biệt trong sản xuất điện.

Mùa hè vừa qua, mưa lớn liên tục trút xuống Bắc Kinh, khiến hàng trăm chuyến bay bị hủy, các địa điểm du lịch phải đóng cửa, người dân gặp không ít khó khăn khi đi làm vì giao thông bị cản trở.

Tháng 8, Ellery Lee, một chuyên gia tư vấn về năng lượng và biến đổi khí hậu tại thủ đô của Trung Quốc, cũng phải chịu cảnh ướt sũng người vì đội mưa. Về đến nhà, ông không khỏi cảm thấy sốc khi nghe tin hai người chết đuối do mắc kẹt bên dưới một cây cầu ở ngoại ô thành phố.

“Biến đổi khí hậu đang ngày càng đến gần hơn với cuộc sống của chúng ta”, Lee nói, phàn nàn về những trận lũ lụt chết người ở miền trung Trung Quốc, tình trạng nóng lên trên khắp đất nước và những trận mưa lớn bất thường ở miền bắc vốn khô hạn.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu quan trọng tại Glasgow, Scotland, vào tháng 11, mọi ánh mắt đều đổ dồn về Trung Quốc.

Tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ không tiếp tục tài trợ những dự án điện than ở nước ngoài và sẽ chuyển hướng hỗ trợ sang năng lượng xanh và năng lượng carbon thấp, hưởng ứng tuyên bố hồi đầu năm của Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm hướng tới mục tiêu “cứu Trái Đất” trước khi quá muộn.

Trung Quốc thực tế đã thu hẹp dần hỗ trợ đối với hàng loạt nhà máy điện than đang được xây dựng ở nước ngoài như một phần trong sáng kiến Vành đai và Con đường. Khoảng một nửa trong 52 nhà máy điện than được đưa vào hoạt động từ năm 2014 đã bị dừng.

David Sandalow, chuyên gia tại Trung tâm Năng lượng Toàn cầu Đại học Columbia, cựu quan chức Bộ Nhà nước và Năng lượng Mỹ, đánh giá hành động của Trung Quốc “có ý nghĩa quan trọng” khi “gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ đến các nhà phát triển năng lượng trên toàn thế giới rằng những nhà máy điện than mới sẽ phải đối mặt với luồng gió ngược trong tương lai”.

Trung Quốc là quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới nên chiến lược cắt giảm khí thải của nước này sẽ đóng vai trò quan trọng nhất giúp trả lời câu hỏi liệu thế giới có thể ngăn chặn những thiệt hại không thể đảo ngược và thảm họa đối với Trái Đất hay không.

Ban lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết đạt mức phát thải cao nhất trước năm 2030 và đạt mức trung hòa carbon vào năm 2060. Nhưng Bắc Kinh phải cân bằng giữa các ưu tiên cạnh tranh, bao gồm việc tái cấu trúc một mô hình kinh tế phụ thuộc lớn vào ngành công nghiệp nặng và quản lý tăng trưởng hậu đại dịch. Giới chức Trung Quốc đồng thời cũng phải chứng minh cho công chúng thấy rằng các biện pháp hạn chế khí thải quyết liệt là nhằm phục vụ lợi ích của đất nước, không phải do áp lực từ Mỹ hay phương Tây, giới chuyên gia đánh giá.

Chủ tịch Tập tháng 9 năm ngoái công bố “các mục tiêu carbon kép” và sau đó là cam kết “cắt giảm dần” sử dụng than bắt đầu từ năm 2026, đồng thời chỉ định một nhóm chuyên trách việc đo lường lượng khí thải. Hồi tháng 7, đặc phái viên về khí hậu Trung Quốc Giải Chấn Hoa cho biết mục tiêu năm 2060 mà Trung Quốc hướng đến là trung hòa lượng khí nhà kính thải ra ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, không phải chỉ riêng CO2.

Trước cả khi Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu COP26 được thông báo tổ chức, Trung Quốc đã chuẩn bị một kế hoạch gọi là Khuôn khổ “1+N” nhằm đạt được mục tiêu trung hòa carbon. Các nhà hoạt động về khí hậu đang mong chờ thêm thông tin từ Bắc Kinh.

Các mục tiêu giảm khí thải đã khiến chính quyền nhiều tỉnh ở Trung Quốc phải áp dụng những biện pháp tình thế như cắt điện diện rộng, mặc dù tình trạng thiếu than cũng được cho là một lý do gây ra cảnh khan hiếm điện đang bao trùm khắp đất nước.

Cuộc khủng hoảng điện của Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết trong tuần qua với việc một nửa đất nước bị cắt điện, khiến nó trở thành một trong những ví dụ điển hình về vấn đề phân bổ năng lượng tại nước này, đặc biệt khi xem xét tác động của nó tới các hộ gia đình.

Cắt điện vốn phổ biến ở Trung Quốc, nhưng thường chỉ xảy ra với các nhà máy, công xưởng. Tuy nhiên, tần suất cắt điện đã tăng lên kể từ nửa cuối năm ngoái và nay lan sang cả các hộ gia đình.

16 trên 31 đơn vị hành chính cấp tỉnh của Trung Quốc đang siết kiểm soát điện năng nhằm chạy đua đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải hàng năm do chính phủ đề ra, sau khi không đạt được tiến bộ vào đầu năm.

Tháng trước, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) chỉ trích “mức độ tiêu thụ năng lượng” của 9 tỉnh, gồm Quảng Đông, Giang Tô, Vân Nam, Phúc Kiến, Thiểm Tây, Quảng Tây, Ninh Hạ, Thanh Hải và Tân Cương, do những tỉnh này không giảm được sử dụng năng lượng.

Giới chuyên gia nhận định cuộc khủng hoảng điện, nếu kéo dài, có khả năng tác động tới cam kết bảo vệ môi trường của Trung Quốc khi nước này hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiệt điện.

Chính quyền trung ương Trung Quốc đang thúc đẩy chính sách “xây trước, phá sau” với hàm ý là phát triển năng lượng tái tạo trước khi ngừng sử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch. Than đá, rẻ hơn nhiều so với năng lượng tái tạo, hiện vẫn là nguồn nhiên liệu chính, tạo ra 70% sản lượng điện của Trung Quốc.

“Cắt giảm lượng khí thải đi kèm với một cái giá phải trả, đó là GDP. Câu hỏi đặt ra là chính phủ Trung Quốc chấp nhận được cái giá nào”, Yu Lihong, giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Đông ở Thượng Hải, nhận xét. “Để loại bỏ than đá trong vòng 20 hay 30 năm nữa là điều rất khó. Tôi nghĩ thậm chí 50 năm vẫn khó. Vai trò của than là quá lớn”.

Ở một số lĩnh vực khác, Trung Quốc vẫn tỏ ra tích cực trong các hành động về môi trường. Họ là thị trường xe điện lớn của thế giới và còn có kế hoạch nâng công suất điện mặt trời lên 65 GW trong năm nay, theo Hiệp hội Sản xuất Năng lượng Mặt trời Trung Quốc. Hồi tháng 7, Trung Quốc thành lập hệ thống giao dịch carbon lớn nhất thế giới mà theo lời Ma Jun, giám đốc Viện các Vấn đề Công cộng và Môi trường Trung Quốc, là “mang ý nghĩa biểu tượng quan trọng”.

Giá carbon trong chương trình này chưa đầy 8 USD/tấn. Hầu hết các nhà kinh tế môi trường đều cho rằng giá của carbon phải lên đến 100 USD/tấn. “Cuối cùng, tôi nghĩ rằng nó sẽ có tác động riêng”, Ma nói.

Để tiếp tục theo đuổi chính sách cắt giảm carbon, nhà chức trách cũng phải đối mặt với những hoài nghi từ công chúng. Dù Trung Quốc dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, người dân nước này chưa trải qua những sự kiện mang tính thức tỉnh như ở nhiều nước khác.

Những ý kiến chỉ trích từ các blogger đến một số học giả thậm chí còn đi xa hơn khi cho rằng Bắc Kinh đang bị phương Tây che mắt, trong khi thực tế họ chỉ muốn tìm cách kìm hãm Trung Quốc.

Nhận thức về biến đổi khí hậu của công chúng còn hạn chế đồng nghĩa chính phủ luôn phải cố gắng tìm điểm cân bằng trong các chính sách về môi trường, theo Dimitri de Boer, trưởng đại diện tổ chức phi lợi nhuận ClientEarth ở Bắc Kinh.

Tình trạng mất điện diện rộng gần đây hoàn toàn có thể làm suy yếu thêm niềm tin của công chúng vào mục tiêu “cứu Trái Đất” của giới chức, các nhà quan sát đánh giá.

“Sẽ rất nguy hiểm nếu công chúng Trung Quốc cho rằng chính phủ đang làm điều này vì bị các tác nhân nước ngoài thúc ép”, Boer cho hay. “Với rất nhiều người dân Trung Quốc, biến đổi khí hậu vẫn còn là điều gì đó xa vời. Chính phủ nói rằng cần phải hành động, nhưng người dân không hiểu vì sao và bằng cách nào”.

Vũ Hoàng (Theo SCMP, Washington Post) – VnExpress

Leave a Reply