Thói khoe của khiến kẻ lừa đảo sa lưới FBI

Ramon Abbas trên máy bay riêng. Ảnh: Bộ Tư pháp Mỹ.

Trên mạng xã hội, Ramon Abbas phô trương lối sống xa hoa với máy bay riêng, quần áo hàng hiệu và xe sang, khiến anh ta lọt tầm ngắm của FBI.

Trên trang Instagram cá nhân có tên Ray Hushpuppi với 2,5 triệu người theo dõi, Abbas tự nhận mình là một nhà phát triển bất động sản. Anh ta sở hữu căn hộ bên bờ biển Dubai, di chuyển bằng trực thăng và sở hữu bộ sưu tập túi xách đắt tiền từ các thương hiệu đình đám.

Nhưng các nhà điều tra liên bang Mỹ tin rằng Abbas có được lối sống xa hoa như vậy thực chất là nhờ điều hành một mạng lưới tin tặc, đánh cắp hàng triệu đô từ các công ty lớn ở Mỹ và châu Âu.

Chính các bài đăng khoe khoang độ giàu có của Abbas đã để lại những dấu vết giúp cơ quan điều tra phanh phui các hành vi tội phạm của anh ta. Tháng trước, cảnh sát Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đột kích căn hộ ở Dubai của Abbas, bắt anh ta và giao nộp cho các đặc vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Abbas sau đó được dẫn độ đến Mỹ, hạ cánh tại Chicago ngày 2/7.

Trong vài tuần tới, Abbas sẽ được chuyển tới Los Angeles, đối mặt cáo buộc rửa tiền hàng trăm triệu USD. Nếu bị kết tội, Abbas sẽ phải chịu mức án lên tới 20 năm tù.

Ramon Abbas có quốc tịch Nigeria. Người đàn ông này được cho là trùm một mạng lưới toàn cầu chuyên lừa đảo qua mạng Internet, sử dụng nhiều mánh khóe từ xâm nhập hệ thống máy tính đến giả mạo email làm ăn và rửa tiền, qua đó đánh cắp hàng trăm triệu USD từ các công ty.

Abbas làm việc với nhiều đồng phạm và y bị bắt cùng 11 người khác. Các nhà điều tra đã thu gần 41 triệu USD, 13 xe sang trị giá 6,8 triệu USD cùng điện thoại và bằng chứng trong máy tính của anh ta. Cảnh sát Dubai phát hiện gần hai triệu địa chỉ email trên những chiếc điện thoại trong tay Abbas. Đây có thể là những nạn nhân mà y nhắm tới.

“Cuộc điều tra này nhắm vào một mắt xích quan trọng trong đường dây lừa đảo lớn, xuyên quốc gia”, công tố viên Nick Hanna, người phụ trách điều tra vụ án liên quan tới Abbas tại Mỹ, cho hay.

Abbas không che giấu lối sống xa hoa và khối tài sản khổng lồ của mình. Trên mạng Snapchat, y tự nhận mình là “Bậc thầy Tỷ phú Gucci”.

“Bắt đầu một ngày bằng sushi tại nhà hàng Nobu ở Monte Carlo, Monaco, sau đó quyết định thuê trực thăng tới …spa của Christian Dior ở Paris để làm mặt rồi khép lại ngày bằng champage ở Gucci”, Abbas đăng trên Instagram.

Abbas thường xuyên chụp ảnh những chiếc ôtô đắt tiền như Bentley, Ferrari, Mercedes và Rolls Royce bên cạnh dòng hashtag #AllMine (Tất cả đều là của tôi). Trong những bức ảnh khác, Abbas còn xuất hiện bên các ngôi sao thể thao quốc tế và người nổi tiếng.

Theo cáo trạng, các nhà điều tra Mỹ cho hay những bức ảnh xa hoa trên mạng xã hội do Abbas đăng tải đã giúp họ kết nối thông tin về y. Ví dụ, trang Instagram Abbas sử dụng có số điện thoại và email cá nhân được lưu để phục vụ mục đích bảo mật. Cơ quan điều tra phát hiện email và số điện thoại trên được sử dụng trong các giao dịch tài chính và giao dịch với những tài khoản khác mà FBI nghi là của các đồng phạm với Abbas.

“Tài khoản email của nghi phạm còn chứa các địa chỉ email và tệp đính kèm có liên quan đến những giao dịch với giá trị lớn”, cáo trạng cho biết.

Tài khoản Apple và Snapchat của Abbas cũng cung cấp cho cơ quan điều tra thêm thông tin để xác định danh tính của y, cùng với địa chỉ và các cuộc hội thoại với những nghi phạm khác. Thậm chí, các nhà điều tra còn tìm được những thông tin quan trọng trong các bức ảnh tiệc sinh nhật Abbas đăng trên Instagram.

Những phi vụ lừa đảo trên mạng của Abbas liên quan đến số tiền lớn không tưởng. Theo tài liệu điều tra, Abbas đã lừa trợ lý luật sư tại một hãng luật ở New York chuyển 923.000 USD vào tài khoản ngân hàng do anh ta và đồng phạm nắm giữ.

Abbas cùng đồng phạm được cho là đã rửa 14,7 triệu USD tiền chiếm đoạt từ một tổ chức tài chính hồi năm ngoái. Trong hàng loạt vụ lừa đảo khác, Abbas sử dụng những tài khoản ngân hàng tại Dubai để các nạn nhân ở Mỹ gửi tiền vào.

Y đồng thời bị cáo buộc âm mưu ăn cắp 124 triệu USD từ một câu lạc bộ bóng đá tại giải Ngoại hạng Anh. Chưa rõ âm mưu có thành công hay không.

Mánh khóe sử dụng email giả mạo để thực hiện hành vi lừa đảo khá phức tạp. Tin tặc thường thâm nhập vào các cuộc giao dịch, trao đổi kinh doanh qua email, đóng giả làm đối tác làm ăn, sau đó lừa nạn nhân để họ chuyển tiền vào một tài khoản khác do Abbas và đồng phạm kiểm soát.

“Đây là một trong những vụ lừa đảo qua mạng phức tạp nhất mà chúng tôi từng gặp, vì nó liên quan đến một nhóm hoạt động có tổ chức, gồm những kẻ lừa đảo ở nhiều nơi trên thế giới, những kẻ có kinh nghiệm lừa đảo trên mạng và hiểu biết về những lỗ hổng trong hệ thống tài chính quốc tế”, công tố viên Hanna cho hay.

Vũ Hoàng (Theo CNN) – VnExpress

Leave a Reply