Triệu phú đe dọa lật đổ Thủ tướng Israel

Lãnh đạo đảng Yamina Naftali Bennett (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: AFP.

Có tiềm lực tài chính mạnh mẽ và kinh qua nhiều vị trí cấp cao trong chính quyền, Naftali Bennett trở thành mối đe dọa lớn nhất với Thủ tướng Netanyahu.

Bennett, lãnh đạo đảng Yamina, hôm 30/5 tuyên bố sẽ tìm cách thành lập một chính phủ liên minh với các đối thủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhằm lật đổ ông. Triệu phú này đang nỗ lực để đạt thỏa thuận với Yair Lapid, chủ tịch đảng Yesh Atid và là lãnh đạo phe đối lập tại quốc hội Israel.

Hạn chót để hoàn thiện thỏa thuận liên minh giữa Bennett và Lapid là vào ngày 2/6. Nếu đạt thỏa thuận, hai lãnh đạo này sẽ cùng nhau chia sẻ 4 năm làm thủ tướng Israel, chấm dứt thời gian cầm quyền đã kéo dài 12 năm liên tục của Netanyahu.

Chính phủ mới được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi có ý nghĩa cho chính trường Israel vốn đã trải qua quá nhiều sóng gió vài năm trở lại đây. Trong khi đó, Netanyahu cảnh báo rằng một chính phủ liên minh mới sẽ là “mối đe dọa cho an ninh Israel”.

Sinh ra tại thành phố Haifa của Israel, Bennett là một người Do Thái theo Chính thống giáo hiện đại, con trai trong một gia đình Mỹ nhập cư. Ông hiện sống cùng vợ, Gilat, một đầu bếp chuyên về các món tráng miệng, cùng 4 con ở vùng ngoại ô giàu có Raanana của Tel Aviv.

Giống như Netanyahu, Bennett nói thông thạo tiếng Anh và từng có thời gian thơ ấu sống tại Bắc Mỹ, nơi cha mẹ ông đang dưỡng già. Bennett, 49 tuổi, có ưu thế của tuổi trẻ, khi ông ít hơn Thủ tướng Netanyahu đến 22 tuổi.

Bennett từng học luật tại Đại học Hebrew của Jerusalem, nhưng sau đó làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao. Năm 1999, ông thành lập một công ty khởi nghiệp và chuyển đến New York.

Năm 2005, Bennett bán công ty phần mềm chống gian lận của mình, Cyota, cho một công ty bảo mật mã hóa Mỹ với giá 145 triệu USD, trở thành một triệu phú tự thân thành công trong lĩnh vực công nghệ.

Bennett có mối quan hệ lâu năm với Thủ tướng Netanyahu. Từ năm 2006 đến 2008, ông đảm nhận vai trò phụ tá cấp cao cho Netanyahu, lúc bây giờ còn là lãnh đạo phe đối lập, nhưng sau đó từ bỏ vị trí vì bất đồng quan điểm.

Từng là lính biệt kích, Bennett đặt tên con trai cả của mình theo tên Yoni, anh trai Thủ tướng Netanyahu, người thiệt mạng trong một cuộc đột kích của Israel nhằm giải cứu các hành khách bị bắt làm con tin tại sân bay Entebbe, Uganda, năm 1976.

Bennett tham gia chính trường vào năm 2013 khi cải tổ một đảng ủng hộ người định cư và giữ chức bộ trưởng quốc phòng cũng như bộ trưởng giáo dục và kinh tế trong chính phủ Netanyahu qua từng thời kỳ khác nhau.

Ông mơ ước có thể sáp nhập phần lớn khu vực Bờ Tây vào lãnh thổ Israel. Bennett từng nói rằng việc chấp nhận thành lập một nhà nước Palestine sẽ là “hành động tự sát đối với Israel”, viện dẫn các lý do an ninh.

Từng là lãnh đạo Yesha, phong trào ủng hộ việc mở rộng khu định cư ở Bờ Tây, Bennett lấy mục tiêu sáp nhập các phần lãnh thổ mà Israel chiếm được sau cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967 là một điểm chính trong cương lĩnh chính trị của mình.

Năm ngoái, khi chính quyền Netanyahu tìm cách thúc đẩy việc sáp nhập và xây dựng khu định cư tại Bờ Tây trong những tháng cuối của chính quyền Donald Trump, Bennett, lúc bấy giờ là bộ trưởng quốc phòng, nói: “Công cuộc xây dựng không được phép dừng lại, dù chỉ một giây”.

Kế hoạch sáp nhập sau cùng bị loại bỏ khi Israel chính thức hóa quan hệ với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Giới phân tích nhận định nó có rất ít cơ hội được hồi sinh dưới chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Nếu Bennett lật đổ được Netanyahu, với tư cách lãnh đạo một chính phủ hướng đến “thay đổi” bao gồm cả các đảng cánh tả và ôn hòa, đồng thời dựa vào sự ủng hộ trong quốc hội từ những nhà lập pháp Arab, việc theo đuổi mục tiêu “sáp nhập Bờ Tây” sẽ trở nên bất khả thi về mặt chính trị.

Bennett hôm 30/5 nói cả cánh hữu và cánh tả đều sẽ phải thỏa hiệp về những vấn đề tương tự như vậy.

Tuy nhiên, người Palestine có thể coi việc Bennett lên nắm quyền như một đòn giáng vào hy vọng về một nền hòa bình và nhà nước độc lập của họ, vốn được Tổng thống Biden ủng hộ.

Sau khi Israel hồi tháng ba tổ chức bầu cử lần thứ tư trong vòng hai năm, Bennett tuyên bố cuộc bầu cử lần thứ năm sẽ là thảm họa đối với quốc gia. Ông trong thời gian qua đã tiến hành đàm phán với khối trung tả vốn đối lập với Thủ tướng Netanyahu để tìm cách xây dựng một chính phủ mới.

Là người luôn hướng đến tự do hóa nền kinh tế, Bennett luôn ủng hộ việc cắt giảm các khoản thuế và những quy định cứng nhắc trong điều hành. Bên cạnh đó, ông còn là người tương đối tự do về những vấn đề như quyền của người đồng tính, mối quan hệ giữa tôn giáo và nhà nước tại một quốc gia mà các giáo sĩ Do Thái chính thống thường có ảnh hưởng mạnh mẽ.

Vũ Hoàng (Theo SCMP) – VnExpress

Leave a Reply