Trump đổ dầu vào ‘bão lửa’ Covid-19

Đại dịch Covid-19 tại Mỹ có nguy cơ biến thành một thảm họa nhân đạo, khi Trump kiên quyết không chuyển giao quyền lực cho chính quyền kế tiếp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đối mặt hàng loạt lời kêu gọi tạo điều kiện cho quá trình đàm phán chuyển giao giữa các quan chức y tế của ông với đội ngũ cố vấn cho Tổng thống đắc cử Joe Biden trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Leana Wen, chuyên gia y tế khẩn cấp của Mỹ, cho rằng toàn bộ nước Mỹ giờ đây là “điểm nóng lây nhiễm Covid-19” và so sánh đại dịch này với “trận bão lửa” càn quét cả nước.

Trên toàn nước Mỹ, dịch bệnh đang vượt ngoài tầm kiểm soát, khiến hơn 1.000 người chết, hơn 100.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Tình hình đó càng khiến những lời khẩn cẩu đến từ chính bên trong chính quyền Trump và cả đội ngũ của Tổng thống đắc cử, bên cạnh các chuyên gia y tế công cộng độc lập trở nên khẩn thiết hơn.

Nhưng thay vì lắng nghe hoặc nỗ lực giải quyết đại dịch mà một số chuyên gia y tế cảnh báo đang trở thành khủng hoảng nhân đạo, Trump trong những ngày qua tiếp tục tung ra những thông tin tranh cãi về thất bại của mình trên đường đua vào Nhà Trắng. Hôm 15/11, ông dường như lần đầu tiên công nhận Biden thắng trong một dòng tweet, nhưng sau đó khẳng định lại rằng “Tôi không nhận thua trước bất kỳ điều gì”.

Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ, trong cuộc phỏng vấn với CNN cuối tuần trước nói rằng “tất nhiên mọi thứ sẽ tốt hơn nếu chúng tôi có thể bắt đầu làm việc với đội ngũ của Biden”.

“Nó gần giống như trao lại cây gậy trong một cuộc đua tiếp sức, bạn sẽ không muốn dừng lại rồi mới đưa nó cho người tiếp theo”, Fauci cho hay. “Bạn sẽ muốn mọi thứ tiếp diễn, và đó chính là bản chất của quá trình chuyển giao”.

Ron Klain, chánh văn phòng Nhà Trắng tương lai do Tổng thống đắc cử Biden chọn, cho biết đội ngũ của họ chưa thể thảo luận với các quan chức y tế cấp cao của chính quyền hiện nay về Covid-19 vì Trump từ chối kích hoạt quá trình chuyển giao quyền lực.

“Các chuyên gia của chúng tôi cần nói chuyện với những người đó sớm nhất có thể”, Klain nói.

Nhưng tiến sĩ Scott Atlas, quan chức hiện có ảnh hưởng nhất với Tổng thống Trump, hôm 15/11 lại viết một dòng tweet kêu gọi người dân Michigan “đứng lên” chống lại các biện pháp hạn chế chống Covid-19 mới được Thống đốc thuộc đảng Dân chủ Gretchen Whitmer áp dụng cho các trường học, rạp chiếu phim và nhà hàng.

Bài đăng của Atlas, người được cho là ủng hộ chiến lược miễn dịch cộng đồng chống Covid-19, đã khiến nhiều người bức xúc, cho rằng nó thể hiện thái độ không coi trọng nỗ lực đoàn kết chống đại dịch.

Fauci không phải quan chức cấp cao duy nhất kêu gọi chính quyền Trump đàm phán chuyển giao quyền lực để thúc đẩy nỗ lực chống Covid-19. Moncef Slaoui, quan chức phụ trách việc phát triển vaccine dưới chính quyền Trump, cũng chia sẻ với Financial Times rằng ông muốn liên lạc với đội ngũ của Biden, nhưng thêm rằng ông không thể làm vậy nếu chưa có sự cho phép từ Nhà Trắng.

Trong lúc đội ngũ của Biden đang gia tăng áp lực thúc giục khởi động quá trình chuyển giao quyền lực phù hợp, các thành viên trong ban cố vấn Covid-19 do ông thành lập ngày càng tỏ ra lo ngại về những hậu quả có thể xảy ra nếu tình trạng bế tắc tiếp diễn.

Tiến sĩ Celine Gounder, thành viên ban cố vấn, hôm 14/11 nhận xét tình hình dịch bệnh hiện nay giống như một cuộc tấn công khủng bố hay chiến tranh và cần phải có cách phản ứng trơn tru, hợp lý.

“Chúng ta cần được chuẩn bị… Có những điểm mù mà chúng ta không thể lường trước khiến ta dễ bị tổn thương”, bà nói.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Michael Osterholm, một thành viên khác trong ban cố vấn, đã than phiền về việc Trump không tham gia tích cực xử lý cuộc khủng hoảng, đồng thời kêu gọi ngay lập tức mở các kênh liên lạc giữa đội ngũ chuyển giao quyền lực và Nhà Trắng.

“Chúng tôi hy vọng trong tương lai rất gần, chúng tôi có thể hợp tác với họ”, ông cho hay, cảnh báo về nguy cơ số ca nhiễm mới gia tăng nhanh chóng vào những tháng tới.

Chuyên gia độc lập, tiến sĩ Peter Hotez thuộc Đại học Y Baylor trích dẫn một nghiên cứu cho rằng vào tháng 1/2021, thời điểm tân tổng thống nhậm chức, khoảng 2.500 người Mỹ có thể thiệt mạng vì Covid-19 mỗi ngày. Ông mô tả tình hình dịch bệnh hiện nay là một “thảm họa nhân đạo” mà Tổng thống Trump chỉ khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.

Covid-19 không phải lĩnh vực duy nhất mà Biden bị ngăn chặn đặc quyền chuyển giao vốn thường được cấp cho một tổng thống đắc cử chỉ vài giờ sau khi được tuyên bố chiến thắng. Ông đến nay vẫn chưa được tiếp cận với những báo cáo tình báo mật vốn được cung cấp cho tổng thống và các quan chức cấp cao hàng ngày.

Trong khi phần còn lại của thế giới bắt đầu chấp nhận chiến thắng của Biden, thậm chí một số thượng nghị sĩ Cộng hòa cũng nói rằng ông nên nhận được báo cáo tình báo tổng thống, Trump vẫn quyết tâm khước từ kết quả bầu cử.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh CBS, cựu tổng thống Barack Obama cho rằng hành động của Tổng thống Trump “giống như trẻ con”.

“Nếu con gái tôi, trong bất kỳ cuộc thi nào, thua cuộc rồi sau đó bĩu môi và buộc tội bên kia gian lận nhưng không thể đưa ra bằng chứng, chúng tôi sẽ mắng chúng”, ông nói.

Trong một cuộc phỏng vấn khác với NPR, Obama chỉ trích đảng Cộng hòa vì không thuyết phục Trump chuyển giao quyền lực giữa thời điểm khủng hoảng như hiện nay. “Hãy nhìn xem, chúng ta đang đối mặt với đại dịch, chúng ta đang rơi vào khủng hoảng kinh tế. Chúng ta đang gặp những vấn đề an ninh quốc gia nghiêm trọng”, ông nhấn mạnh.

Biden vẫn tiếp tục nỗ lực kêu gọi Trump hành động ngay bây giờ nhằm giải quyết khủng hoảng. “Cuộc khủng hoảng này cần một phản ứng liên bang mạnh mẽ và tức thời, điều mà đáng tiếc là chúng ta đang thiếu”, ông hôm 13/11 tuyên bố. “Tôi là Tổng thống đắc cử nhưng chưa phải tổng thống chính thức cho tới năm sau. Cuộc khủng hoảng không quan tâm đến ngày tháng trên cuốn lịch, nó đang leo thang ngay lúc này”.

Tuy nhiên, lời kêu gọi từ Biden có lẽ không thể làm suy suyển mối quan tâm duy nhất của Tổng thống Trump hiện tại: Thất bại trong cuộc bầu cử.

Vũ Hoàng (Theo CNN) – VnExpress

Leave a Reply