Xe chở tên lửa đạn đạo có thể là DF-41 tại bãi phóng gần thành phố Cát Lan Thái, Trung Quốc. Ảnh: Maxar.
Ảnh vệ tinh cho thấy quân đội Trung Quốc đang xây hầm chứa cho tên lửa hạt nhân thế hệ mới DF-41 nhằm tăng khả năng tung đòn đáp trả.
Hans Kristensen, nhà phân tích thuộc Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, ngày 1/3 cho biết ảnh vệ tinh do hãng Maxar chụp cho thấy Trung Quốc từ cuối năm ngoái bắt đầu xây dựng 11 hầm chứa ngầm tại bãi huấn luyện gần thành phố Cát Lan Thái, khu tự trị Nội Mông. 5 hầm chứa khác được xây dựng tại đây từ trước.
Đây là những hầm chứa bổ sung cho khoảng 18-20 hầm chứa mà Trung Quốc đang vận hành dành cho DF-5, mẫu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) cũ hơn
Kristensen nhận định các hầm chứa ICBM mới có thể nhằm nâng cao năng lực phóng tên lửa hạt nhân mới từ hầm ngầm để đảm bảo khả năng trả đũa một vụ tấn công tương tự. Lầu Năm Góc chưa nhắc đến những hầm chứa tên lửa nào ở thao trường này trong các báo cáo của mình.
Các hầm chứa này có thể được thiết kế để chứa DF-41, ICBM thế hệ mới của Trung Quốc. DF-41 sử dụng nhiên liệu rắn với thời gian triển khai ngắn hơn DF-5, vốn dùng nhiên liệu lỏng.
DF-41 được đánh giá có thể đánh trúng các mục tiêu ở Alsaska và phần lớn lục địa Mỹ. Trung Quốc đã biên chế biến thể phóng từ bệ di động trên đường sắt và đường bộ của DF-41, nhưng chưa công bố mẫu tên lửa khai hỏa từ hầm chứa ngầm dưới lòng đất.
Kristensen cho biết khu phức hợp mới có thể là biện pháp đối phó mối đe dọa ngày càng tăng từ Mỹ. Trong những năm gần đây, Mỹ coi việc Trung Quốc hiện đại hóa lực lượng hạt nhân là lý do để đầu tư hàng trăm tỷ USD phát triển kho vũ khí hạt nhân hoàn toàn mới.
“Dù Trung Quốc tăng gấp đôi hoặc gấp ba số ICBM, chúng chỉ chiếm một phần nhỏ so với Nga và Mỹ. Không quân Mỹ sở hữu 450 hầm chứa, trong đó 400 hầm được nạp tên lửa. Nga đang vận hành 130 hầm chứa”, Kristensen nhấn mạnh.
Giới chuyên gia nhận định không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ và Trung Quốc có thể nổ ra xung đột vũ trang. Tuy nhiên, Kristensen công bố báo cáo trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung leo thang trên nhiều lĩnh vực, gồm thương mại và an ninh quốc gia.
Việc Trung Quốc tăng cường lực lượng hạt nhân có thể ảnh hưởng tới các tính toán của Mỹ về phản ứng quân sự trước các hoạt động của nước này ở khu vực eo biển Đài Loan hay Biển Đông, chuyên gia Kristensen nói.
Lầu Năm Góc từ chối bình luận về nhận định của Kristensen. Tuy nhiên, trong báo cáo thường niên về hoạt động quân sự của Trung Quốc được công bố giữa năm 2020, cơ quan này đánh giá Bắc Kinh muốn tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu trong thời bình của lực lượng hạt nhân bằng cách đưa thêm tên lửa xuống lòng đất và xây dựng cấp độ báo động cao để có thể phóng tên lửa ngay sau khi phát hiện đòn tấn công của đối phương.
“Chính sách vũ khí hạt nhân của Trung Quốc ưu tiên duy trì lực lượng đủ khả năng sống sót sau đòn tấn công đầu tiên, có thể đáp trả đủ mạnh để gây thiệt hại mà đối thủ không thể chấp nhận”, báo cáo của Lầu Năm Góc có đoạn.
Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định Trung Quốc hiện đại hóa lực lượng hạt nhân trong nỗ lực xây dựng “quân đội đẳng cấp thế giới” vào năm 2050, sở hữu sức mạnh ngang ngửa quân đội Mỹ và có thể vượt trên một số lĩnh vực.
Mỹ ước tính Trung Quốc sở hữu ít nhất 200 đầu đạn hạt nhân, thấp hơn nhiều so với số đầu đạn của Mỹ và Nga, song Bắc Kinh có thể tăng gấp đôi quy mô kho vũ khí hạt nhân trong 10 năm tới. Tuy nhiên, Trung Quốc bác tin nước này đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân.
Trung Quốc không công bố quy mô hoặc năng lực sẵn sàng chiến đấu của lực lượng hạt nhân, chỉ tuyên bố sử dụng vũ khí này để đáp trả. Mỹ không loại trừ khả năng phát động đòn tấn công hạt nhân phủ đầu, dù Tổng thống Joe Biden từng nói nước này áp dụng chính sách “không tấn công trước”.
Nguyễn Tiến (Theo AP) – VnExpress