Trung Quốc sắp đóng xong tàu sân bay nội địa thứ hai

Trung Quốc có thể hoàn thiện tàu sân bay nội địa thứ hai vào giữa năm sau và đang đẩy nhanh tốc độ đóng hàng không mẫu hạm tiếp theo.

Type-002, tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc và là hàng không mẫu hạm thứ hai do nước này tự phát triển và chế tạo, đã bước vào giai đoạn lắp ráp cuối cùng, hai nguồn tin cho biết ngày 17/7. Type-002 là tàu sân bay thứ ba của hải quân Trung Quốc và là mẫu tàu sân bay nội địa thứ hai của nước này.

“Tiến trình lắp ráp tàu sân bay thế hệ mới Type-002 đã bắt đầu và dự kiến hoàn thành trong nửa đầu năm sau”, một nguồn tin cho biết. “Các công nhân cũng đang bắt đầu đặt ky cho một tàu sân bay ‘chị em’ với tàu Type-002. Nhà máy Đóng tàu Giang Nam ở ngoại ô Thượng Hải chế tạo cả hai chiến hạm này”.

Dự án phát triển tàu sân bay Type-002 được bắt đầu từ năm 2015, con tàu được khởi đóng từ năm 2018, nhưng quá trình chế tạo chiến hạm liên tiếp gặp nhiều trắc trở. Đến năm 2019, quá trình đóng tàu bị đình trệ vì lý do kỹ thuật cũng như thiếu vốn do tác động từ chiến tranh thương mại với Mỹ và hoạt động cải tổ quân đội nước này. Đầu năm nay, tiến độ đóng tàu bị chậm lại do đại dịch Covid-19.

“Tàu sân bay Type-002 tiếp theo sẽ được chế tạo nhanh hơn chiếc thứ nhất do các công nhân đã học hỏi và khắc phục rất nhiều vấn đề. Đây là công việc đầy thách thức do Type-002 là tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc thiết kế toàn bộ”, nguồn tin cho biết.

Ảnh đăng trên mạng xã hội Trung Quốc và được tài khoản Twitter RupprechtDeino đăng lại ngày 15/7 cho thấy hai bộ phận khổng lồ được ghép từ các khối đóng sẵn của tàu Type-002 đang nằm trong ụ nổi. Phía trên các khối này là sàn đáp chưa hoàn chỉnh của tàu sân bay.

Các bức ảnh cho thấy tiến độ dự án được thúc đẩy đáng kể so với ảnh vệ tinh được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế công bố hồi tháng 4/2019, trong đó các bộ phận đóng sẵn, vách ngăn và các thành phần khác của tàu sân bay được xếp chồng lên nhau ở bến cảng.

Type-002 sẽ là tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc sau tàu Liêu Ninh thuộc lớp Type-001, được cải hoán từ tuần dương hạm hạng nặng chở máy bay Varyag, và tàu Sơn Đông nội địa thuộc lớp Type-001A.

Không giống hai tàu sân bay đầu tiên dựa trên thiết kế trang bị cầu nhảy của tuần dương hạm lớp Đề án 11435 Kuznetsov, tàu sân bay Type-002 được coi là một thế hệ hoàn toàn mới trang bị máy phóng điện từ tối tân giống siêu tàu sân bay lớp Ford của Mỹ. Máy phóng điện từ cho phép nhiều tiêm kích cất cánh trong thời gian ngắn hơn hệ thống cầu nhảy, đồng thời giảm hao mòn và hư hại trên máy bay.

Chuyên gia quân sự Liang Gouliang tại Hong Kong nhận định Type-002 không được trang bị lò phản ứng hạt nhân do tới nay chỉ có tàu ngầm Trung Quốc được trang bị công nghệ này. “Công nghệ năng lượng hạt nhân được thiết kế cho Type-003, tàu sân bay thứ năm của Trung Quốc, có khả năng được chế tạo tại Nhà máy Đóng tàu Đại Liên”, Liang nói.

“Quân ủy Trung ương Trung Quốc quyết định lắp máy phóng hơi nước trên tàu sân bay Type-002 khi bắt tay vào chế tạo chiến hạm này hồi tháng 2/2015. Tuy nhiên, kế hoạch thay đổi sau khi chuẩn đô đốc Mã Vĩ Minh phát triển thành công công nghệ máy phóng điện từ trong năm 2015”, chuyên gia Liang cho biết.

Chuẩn đô đốc Mã Vĩ Minh cũng phát triển thành công chip bán dẫn có cực điều khiển cách ly (IGBT), một linh kiện quan trọng của hệ thống chuyển đổi năng lượng hiệu quả cao. Linh kiện này được cho sẽ giúp tàu sân bay dùng năng lượng thông thường vận hành được các hệ thống phóng điện từ mạnh và tiên tiến hơn.

Chuyên gia Liang nói những thành quả mới này khiến Chủ tịch Tập Cận Bình, chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, quyết định thay đổi thiết kế của thế hệ tàu sân bay mới. Liang dự đoán Trung Quốc sẽ thiết kế mẫu tiêm kích hạm tàng hình cho Type-002 sau khi chiến hạm này hoàn thiện năm 2021.

Khối lắp ráp tàu sân bay Type-002 được chuyển vào ụ nổi tại Nhà máy Đóng tàu Giang Nam, ngoại ô Thượng Hải. Ảnh: Twitter/RupprechtDeino.

Tuy nhiên, chuyên gia Zhou Chenming thuộc Viện Viễn vọng có trụ sở tại Bắc Kinh cho rằng Type-002 sẽ tiếp tục sử dụng tiêm kích hạm J-15 giống tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông.

Cho tới nay, Liêu Ninh là tàu sân bay Trung Quốc duy nhất đạt chứng nhận Năng lực Vận hành Sơ bộ (IOC), một yêu cầu cơ bản đối với chiến hạm. Tàu Sơn Đông dự kiến đạt IOC vào năm 2021.

Chuyên gia Zhou nhận định tàu Liên Ninh được sử dụng để huấn luyện cho thủy thủ đoàn thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay mới của Trung Quốc. “Thân tàu Liêu Ninh được đóng năm 1985 và nó quá cũ để trở thành một chiến hạm. Lực lượng hải quân viễn dương của Trung Quốc có lẽ sẽ dựa trên trên các nhóm tác chiến với tàu sân bay thế hệ mới như Type-002, Type-003 và các chiến hạm tiên tiến khác”, Zhou nói.

Trung Quốc lên kế hoạch thành lập ít nhất 6 nhóm tác chiến tàu sân bay vào năm 2035 nhằm tìm cách cân bằng sức mạnh với hải quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương. “Trung Quốc có ba hạm đội hoạt động tại Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông. Mỗi hạm đội như vậy sẽ có hai tàu sân bay”, Zhou cho biết.

Mỹ vẫn là nước có lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới với 11 siêu tàu sân bay trong biên chế, 2 chiếc đang được chế tạo. Tàu sân bay Gerald R. Ford thuộc lớp tàu cùng tên được biên chế tháng 7/2017, chiến hạm John F. Kennedy thuộc lớp Ford đã được đóng xong và đang trong quá trình hoàn thiện. Ngoài các siêu tàu sân bay, Mỹ còn sở hữu 10 tàu đổ bộ tấn công có thể vận hành tiêm kích cất cánh trên đường băng ngắn như F-35B.

Nguyễn Tiến (Theo SCMP) – VnExpress

Leave a Reply