Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing tại lễ kỷ niệm Ngày Liệt sĩ ở Yangon tháng 7/2020. Ảnh: Reuters.
Quân đội Myanmar bắt Cố vấn Nhà nước Suu Kyi và tổ chức đảo chính, 10 năm sau khi từ bỏ nắm quyền trong gần 5 thập kỷ với nước này.
Năm 2010, chính quyền do quân đội Myanmar nắm quyền tổ chức bầu cử vào đầu tháng 11, trong đó Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USUP) được quân đội hậu thuẫn tuyên bố chiến thắng. Tuy nhiên, đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD) và các đảng khác từ chối tham gia. Các nhà quan sát không xem đây là một cuộc bầu cử tự do, công bằng.
Chưa đầy một tuần sau đó, bà Aung San Suu Kyi được thả sau 16 năm bị quản thúc tại gia.
Năm 2011, trong một động thái bất ngờ, chính quyền quân sự trao lại quyền lực cho một chính phủ bán dân sự của cựu tướng Thein Sein, người theo đuổi cải cách. Nhiều quyền cơ bản được khôi phục, bao gồm việc dỡ bỏ các hạn chế về tụ họp và bày tỏ ý kiến.
Năm 2012, đảng NLD thắng 43 trên 45 ghế trong cuộc bầu cử tháng 4 và bà Suu Kyi trở thành nghị sĩ quốc hội. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu dỡ bỏ các lệnh cấm vận với Myanmar và doanh nghiệp phương Tây đổ tới quốc gia này.
Tuy nhiên, bạo lực giáo phái bùng lên ở phía tây bang Rakhine, chủ yếu nhằm vào nhóm thiểu số Hồi giáo Rohingya. Vào tháng 11, Barack Obama trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Myanmar.
Năm 2015, NLD giành chiến thắp áp đảo trong cuộc bầu cử lịch sử. Tổng Tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing đã chúc mừng Suu Kyi cùng đảng của bà.
Năm 2016, NLD lên nắm quyền lãnh đạo Myanmar và bà Suu Kyi đảm nhận vai trò Cố vấn Nhà nước, thực tế là một vị trí lãnh đạo được tạo ra để lách các quy định của hiến pháp ngăn cản bà giữ chức vụ tổng thống.
Năm 2017, luật sư Hồi giáo nổi tiếng Ko Ni, một nhà phê bình quân đội và là cố vấn của bà Suu Kyi, bị ám sát tại thành phố Yangon. Hàng nghìn người đã tham dự tang lễ của ông.
Ngày 25/8, quân đội Myanmar tiến hành cuộc trấn áp ở bang Rakhine nhằm đáp trả các phiến quân, khiến gần 750.000 người Rohingya phải chạy trốn qua biên giới đến Bangladesh.
Năm 2018, hai phóng viên Reuters bị bắt giam với cáo buộc xâm phạm bí mật nhà nước Myanmar trong khi đưa tin về một cuộc thảm sát người Rohingya. Họ bị giam hơn 500 ngày trước khi được thả theo lệnh ân xá tổng thống.
Năm 2019, Mỹ công bố các lệnh trừng phạt với tư lệnh quân đội Myanmar và 3 quan chức quân đội khác. Gambia đệ đơn kiện lên Toà án Công lý hàng đầu của Liên Hợp Quốc, cáo buộc Myanmar tội diệt chủng. Đích thân bà Suu Kyi đã dẫn dắt phần biện hộ cho Myanmar tại toà án ở The Hague, Hà Lan.
Hai đơn kiện khác cũng được đệ trình chống lại Myanmar, bao gồm cuộc điều tra của Toà án Hình sự Quốc tế (ICJ).
Năm 2020, ICJ bác phần biện hộ của bà Suu Kyi và ra lệnh Myanmar thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn cáo buộc diệt chủng.
Cơ sở hạ tầng y tế yếu kém của nước này bị đại dịch Covid-19 tàn phá, đến nay đã khiến 140.000 người nhiễm nCoV, trong đó 3.000 người tử vong.
Myanmar tổ chức cuộc bầu cử dân chủ lần hai, nhưng phần lớn người dân ở các khu vực sắc tộc xảy ra xung đột gay gắt không tham gia cuộc bỏ phiếu này. NLD được dự đoán sẽ chiến thắng.
Năm 2021, sau nhiều tuần cáo buộc bất thường diện rộng xảy ra trong bầu cử nhưng chính quyền không đồng tình, quân đội Myanmar tiến hành bắt giữ bà Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các lãnh đạo cấp cao khác của NLD vào sáng 1/2, khi quốc hội chuẩn bị họp phiên đầu tiên.
Quân đội Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm và chỉ định một cựu tướng làm quyền tổng thống để giữ gìn “sự ổn định”.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phản đối quân đội Myanmar bắt Cố vấn Nhà nước Suu Kyi, cho rằng đây là đòn giáng vào quá trình cải cách dân chủ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cảnh cáo Myanmar chớ cố gắng thay đổi kết quả bầu cử và sẽ hành động nếu quá trình chuyển đổi dân chủ bị cản trở. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bày tỏ quan ngại sâu sắc và kêu gọi quân đội Myanmar thả toàn bộ quan chức bị bắt.
Anh Ngọc (Theo AFP) – VnExpress