Anh hân hoan và nghi ngại trong ‘ngày sổ lồng’

Vui mừng là cảm giác bao trùm trong ngày đầu tiên Anh “phá rào” các biện pháp ngăn Covid-19, song đâu đó, tâm lý lo âu vẫn hiện hữu.

Nửa đêm 19/7, lần đầu tiên sau 17 tháng, nhân viên câu lạc bộ đêm Piano Works dẹp hết bàn về một chỗ, tăng âm lượng loa và khuấy động sàn nhảy để đánh dấu “Ngày Tự do”, khi cả nước Anh được “thả cửa”, dỡ bỏ gần như toàn bộ biện pháp hạn chế chống Covid-19.

“Bạn có thể cảm nhận bầu không khí. Nhu cầu bị dồn nén quá lâu. Chỉ cần bạn mở nhẹ cửa, tất cả mọi người sẽ phát cuồng”, giám đốc câu lạc bộ Tristan Moffa nói. “Bạn có thể hát, có thể nhảy”, những hoạt động “bị cấm” từ tháng 3/2020. “Tôi đã làm trong ngành này 21 năm và chưa bao giờ nhìn thấy điều gì như vậy”.

Moffat ước tính 3/4 trong 300 vị khách đang tận hưởng bầu không khí tự do tại câu lạc bộ đều đã bỏ khẩu trang, lớp bảo vệ từng là “thành trì” quan trọng giúp đẩy lùi nCoV. Giờ đây, không ai còn phạt họ vì không đeo khẩu trang. Đeo hay không giờ là quyền của họ.

Cùng thời điểm Anh dỡ bỏ hạn chế, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã nâng đánh giá rủi ro đối với nước này lên mức cao nhất và Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đưa ra khuyến cáo công dân không di chuyển tới Anh.

Anh hôm 18/7 báo cáo 48.161 ca nhiễm mới. Chỉ trong vài ngày nữa sau thời điểm “sổ lồng”, số ca nhiễm có thể chạm mức đỉnh của hồi tháng một.

Tuy nhiên, lần này, số ca tử vong và nhập viện được cho là sẽ giảm thiểu đáng kể. Chính quyền Thủ tướng Boris Johnson hoàn toàn tự tin về khả năng bảo vệ của chiến dịch tiêm chủng, khi 68,5% dân số trưởng thành Anh đã tiêm đầy đủ vaccine Covid-19.

“Tiến hành một cách thận trọng như chúng ta đang làm là điều đúng đắn”, Thủ tướng Johnson nói trong họp báo ngày 19/7. “Nhưng cũng cần nhận ra rằng đại dịch còn lâu mới kết thúc”.

Ông kêu gọi các câu lạc bộ đêm kiểm tra chứng nhận y tế của khách, cho thấy họ đã tiêm chủng, mới xét nghiệm âm tính gần đây hoặc từng nhiễm nCoV nhưng đã bình phục. Thủ tướng Johnson lưu ý thêm rằng bắt đầu từ cuối tháng 9, bất kỳ ai chưa tiêm phòng đầy đủ sẽ không được phép đến các câu lạc bộ đêm hay những địa điểm đông người khác.

Thủ tướng Johnson, người đã tiêm vaccine, đang phải tự cách ly sau khi tiếp xúc gần với Bộ trưởng Y tế bị nhiễm nCoV.

Chính phủ Anh phủ nhận họ đang tìm cách đạt được “miễn dịch cộng đồng” nhanh nhất có thể. Nhưng theo các nhà khoa học, đây thực chất là mục tiêu mà những chính sách “mở cửa” của chính quyền Thủ tướng Johnson hướng đến.

Một số chuyên gia gọi những gì Thủ tướng Johnson đang làm là “cuộc thí nghiệm liều lĩnh” có thể gây hậu quả nguy hiểm đe dọa cả thế giới, với một biến chủng mới có khả năng né tránh vaccine có nguy cơ trỗi dậy. Nhưng số khác cho rằng việc làm này là hợp lý.

Tại Anh, các sân khấu hòa nhạc, rạp chiếu phim, sân vận động, câu lạc bộ đêm cùng những địa điểm giải trí khác bắt đầu được phép mở cửa không giới hạn. Đám cưới hay tang lễ cũng được tổ chức bình thường với số người dự không hạn chế. Chính phủ thúc giục người lao động quay trở lại văn phòng làm việc. Đặc biệt, không còn yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang.

Tại nhà ga Waterloo, một nút giao thông quan trọng ở trung tâm thủ đô London, hướng dẫn đeo khẩu trang phụ thuộc vào vị trí chính xác của người đang đứng. Tại khu vực tàu điện ngầm, người dân vẫn được yêu cầu đeo. Nhưng tại khu ga tàu bình thường, khẩu trang chỉ được khuyến nghị, như thông điệp trên các tấm biển báo “tôn trọng người xung quanh”.

Pat Price, 79 tuổi, ngồi ở khu ga tàu bên cạnh chồng, Tony Price, 75 tuổi. Bà đeo khẩu trang nhưng ông thì không.

Pat, người đã tiêm vaccine, cho biết bà luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài, thêm rằng “đại đa số người dân đều vui vẻ đeo khẩu trang”. Bản thân bà rất hoan nghênh “Ngày Tự do”.

“Họ cuối cùng phải mở cửa thôi, không thể đóng mãi được”, bà chia sẻ. “Tôi nghĩ chúng ta không thể sống trong bong bóng mãi”.

Tony Price cho biết ông cởi bỏ khẩu trang để ngồi đọc báo. “Tôi không thích đeo khẩu trang nhưng vẫn sẽ đeo… Tôi nghĩ lúc này, quyền quyết định thuộc về mỗi cá nhân. Tôi đồng tình khi chính phủ bắt buộc đeo chúng trong quá khứ. Nhưng chúng ta phải nhìn về tương lai và trở lại cuộc sống bình thường. Cuộc sống bình thường không đi kèm với chiếc khẩu trang”.

Đầu bếp Tony Carter, 39 tuổi, cho rằng việc bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang sẽ khiến những người dễ bị tổn thương phải chịu rủi ro lớn hơn.

Carter vẫn đeo khẩu trang mọi lúc, thậm chí tại nhà hàng nơi anh làm việc, dù quy định là chỉ bắt buộc đeo nếu có trên 4 người trong bếp.

“Nên tiếp tục đeo khẩu trang tới khi ít nhất số ca nhiễm giảm”, anh nói. “Nếu ca nhiễm giảm, bạn có thể thoải mái cởi bỏ khẩu trang, khi đó sẽ là ‘Ngày Tự do’ đúng nghĩa. Nếu chưa làm được điều này, chúng ta vẫn chưa thực sự tự do”.

Bên ngoài nhà ga Waterloo, hàng nghìn người biểu tình chống đóng cửa đã tụ tập gần trụ sở quốc hội, cầm những tấm biểu ngữ ghi các thông điệp như “Nói không với hộ chiếu vaccine” hay “Để ADN của chúng tôi yên” và “Covid là một trò lừa đảo”.

Megan Bullen, 25 tuổi, một nghệ sĩ, nói cô “đến đây để đấu tranh cho tự do”.

Khi được hỏi liệu với chính sách hiện nay, Anh đã thực sự bước vào “Ngày Tự do” chưa, Bullen đáp: “Chúng tôi nghĩ mọi chuyện chưa kết thúc. Họ vẫn yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang trong siêu thị, người dân vẫn đeo khẩu trang và họ còn đang cố triển khai tiêm vaccine cho trẻ em vào tháng 9”.

“Tôi không nghĩ đây là tự do mà chỉ là một tấm màn che mắt. Không bao lâu nữa chúng ta sẽ lại bị phong tỏa thôi”, cô nói thêm.

Rất ít người trong đám đông đeo khẩu trang. Những người đeo chủ yếu là các phóng viên, nhưng họ cũng thường xuyên bị giục cởi bỏ chúng.

Phỏng vấn những người đang tắm nắng gần nhà ga Liverpool, London, phóng viên báo New York Times nhận thấy tâm lý vui mừng, nhẹ nhõm nhưng vẫn xen lẫn hoang mang, lo lắng của người dân Anh.

“Tôi không nghĩ bây giờ là thời điểm thích hợp nhưng chúng ta không thể ngừng cuộc sống của mình quá lâu”, bác sĩ nha khoa Silvia Andonova, 43 tuổi, cho hay. “Sẽ không bao giờ có thời điểm thích hợp”.

Andonova dự định vẫn tiếp tục đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng và ở những nơi đông đúc.

Sau nhiều tháng dài bị hạn chế, trên đường phố bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu của tâm trạng phấn chấn, như những tấm biển “Ngày Tự do Hạnh phúc” dựng bên ngoài các nhà hàng. Tuy nhiên, nhiều người nói họ vẫn cảm thấy mâu thuẫn về quyết định “thả cửa” của chính phủ.

“Dù các chính trị gia nói gì, tôi vẫn sẽ đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng”, Saj Sangha, 52 tuổi, thư ký tại một công ty luật, cho hay. Song Sangha thêm rằng ông đang rất nóng lòng được gọi một ly bia tại quán mà không gặp bất kỳ bất tiện nào.

Tại thành phố Bradford, phía bắc Anh, Kasim Khan, 26 tuổi, đang xếp hàng chờ tiêm mũi vaccine đầu tiên. “Tôi thấy tràn trề hy vọng”, anh nói. “Tôi mong có thể về thăm quê nhà ở Pakistan”.

Tuy nhiên, dự định này của Khan có thể phải mất thêm một khoảng thời gian nữa bởi chính phủ Anh hiện vẫn yêu cầu người đến từ Pakistan phải cách ly tại khách sạn sau khi nhập cảnh.

Kirsty Mcguire, 33 tuổi, một cư dân khác của Bradford, cho biết cô vẫn sẽ duy trì một số biện pháp phòng ngừa, như đeo khẩu trang, bất chấp xã hội đang bước vào thời kỳ “bình thường mới”.

“Đây là cách tôi bảo vệ những người lớn tuổi và tôi còn có con nhỏ nữa”, cô chia sẻ. “Tôi rất sợ có chuyện không hay xảy ra với họ. Vì thế, tôi hy vọng mọi người vẫn sẽ tiếp tục thực hiện những gì chúng ta đã làm”.

Vũ Hoàng (Theo Washington Post, NYTimes) – VnExpress

Leave a Reply