Cách vận hành như công ty của Hoàng gia Anh

Câu chuyện về hoàng gia Anh giống xung đột công sở, khi một người nổi tiếng bên ngoài gia nhập và gây khủng hoảng.

Khi Meghan, vợ của hoàng tử Harry, gọi hoàng gia Anh là “công ty” trong cuộc phỏng vấn kịch tính với Oprah Winfrey hôm 7/3, cô gợi cho người xem cảm giác về một thể chế giống như điều hành một doanh nghiệp. Công ty lâm vào khủng hoảng sau khi bị hai vợ chồng Harry cáo buộc tồn tại phân biệt chủng tộc và đối xử lạnh lẽo với các thành viên trong đó.

Cung điện Buckingham hôm 9/3 phản hồi bằng thông cáo “cả gia đình rất buồn khi biết khó khăn mà Harry và Meghan đối mặt suốt những năm qua”, khẳng định sẽ xem xét nghiêm túc và giải quyết riêng tư cáo buộc của hai vợ chồng.

Mark Landler, tác giả và trưởng chi nhánh của New York Times ở London, đã nhận xét câu chuyện của Harry và Meghan là “một bi kịch” về mối quan hệ cha con, anh em và vợ; nhưng nó cũng là câu chuyện về mâu thuẫn nơi công sở, là cuộc đấu tranh của một người ngoài khi bước chân vào một công ty gia đình lâu đời, kín tiếng và đôi khi rất khó hiểu.

Thuật ngữ “công ty” do Hoàng thân Philip, chồng của Nữ hoàng Elizabeth, là người phổ biến. Nhưng từ này thực chất có nguồn gốc lâu hơn, từ thời Vua George VI, bố của Nữ hoàng, người từng tuyên bố “chúng tôi không phải một gia đình. Chúng tôi là một công ty”.

Doanh nghiệp ấy bao gồm người trong hoàng gia, một đội ngũ thư ký riêng, cố vấn truyền thông, nữ cận thần, quản gia, tài xế, người hầu trong nhà, người giúp việc chân tay, thợ làm vườn và tất cả những người tham gia vào quá trình vận hành cung điện.

Cung điện Buckingham có hơn 400 nhân viên, vận hành mọi thứ, từ việc nấu nướng cho hàng chục dạ tiệc, tiệc trà, yến tiệc do Nữ hoàng chủ trì, tới bộ máy quan hệ công chúng giống doanh nghiệp mà thành viên có quan hệ với các nhà báo hay chính trị gia khắp thế giới.

“Rất khó để phân biệt giữa gia đình và bộ máy hoàng gia”, Penny Junor, nhà sử học đã viết cuốn “Công ty: Rắc rối bên trong Lâu đài Windsor”, nhận xét.

Bà lưu ý người hoàng gia sử dụng thư ký riêng cho mọi công việc cá nhân, từ mời bố mẹ hay con cái tới nhà ăn tối.

“Đây chắc chắn không phải một gia đình giỏi giao tiếp với nhau”, Junor nói. “Họ chắc chắn không giỏi chăm sóc người khác”.

Khi giải thích lý do rời hoàng gia, Harry và Meghan, Công tước và Nữ công tước xứ Sussex, thường viện dẫn sự quan liêu này hơn là nhắc tới họ hàng thân thích. Nhân viên truyền thông của cung điện không bảo vệ Meghan trước báo lá cải, còn cố vấn thì nhắc Meghan chớ nên đi ăn trưa với bạn bè vì cô xuất hiện quá thường xuyên, dù Meghan mới rời Cung điện Kenshington hai lần trong 4 tháng.

Harry mô tả cảm giác luôn phải ý thức giữ gìn hình ảnh hoàng gia bao trùm mọi khía cạnh cuộc sống đời thường và cầm tù chính người hoàng gia, như Thái tử Charles hay Hoàng tử William, những người tỏ ra thoải mái trong chiếc lồng ấy.

“Bố tôi và anh tôi, họ đang mắc kẹt”, Harry nói. “Họ không thể rời đi. Tôi rất đồng cảm với họ”.

Quyền lực của bộ máy quản lý cung điện bộc lộ vài ngày trước cuộc phỏng vấn, khi tờ The Times of London đưa tin Meghan bắt nạt nhân viên khiến trợ lý bật khóc còn hai người phải nghỉ việc. Phát ngôn viên của Meghan bác bỏ, tuyên bố cáo buộc này nhằm “bôi nhọ” Meghan.

The Times of London cho hay Jason Knauf, người từng làm trợ lý truyền thông cho vợ chồng Harry, đã bày tỏ lo ngại trước hành vi bắt nạt trong email gửi Simon Case, thư ký riêng của Hoàng tử William. Case đã báo cáo tới bộ phận nhân sự của Cung điện nhưng bộ phận này không hành động. Case hiện là thư ký nội các, cố vấn chính sách cấp cao cho thủ tướng và là một trong những người quyền lực nhất trong chính phủ Anh.

The Times tiết lộ Cung điện Buckingham giống một công ty hơn là điểm thu hút du lịch nổi tiếng thế giới. Giống như mọi công ty, cung điện phải tuyển dụng nhân viên. Buckingham đang tuyển dụng cố vấn học tập kỹ thuật số, vị trí có mức lương 41.660 USD/năm.

Ngoài ra, người làm việc còn được cung cấp bữa trưa miễn phí. Vị trí cố vấn cao cấp nhất của hoàng gia luôn là công việc được quan tâm nhất, thường thu hút những người có cấp bậc trong quân đội hay ngoại giao. Một số người được biệt phái tới cung điện làm việc sau đó quay lại công việc cũ.

Thư ký riêng cuối cùng mà Harry và Meghan tuyển dụng là Fiona Mcilwham, người từng là đại sứ Anh trẻ nhất lịch sử, làm việc tại Albania. Srra Latham, một cựu trợ lý truyền thông khác, từng là trợ lý Nhà Trắng và sau đó làm việc cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của Hillary Clinton.

Nhưng quan hệ giữa vợ chồng Harry và nhân viên không mấy dễ chịu, theo một số nguồn tin. Một phần bởi ban đầu họ dùng chung trợ lý và ở chung với vợ chồng hoàng tử William tại Cung điện Kenshington.

Ngay cả sau khi hai anh em tách riêng đội ngũ nhân viên, quan hệ với phụ tá vẫn không cải thiện, thường là do những tin tức không tốt về Meghan. Hai người không thông báo nhiều cho nhân viên trước khi tuyên bố rút khỏi nghĩa vụ hoàng gia và rời nước Anh hồi tháng 1/2020, khiến nhiều người mất việc.

Căng thẳng bùng lên không chỉ trong đội ngũ nhân viên của vợ chồng Harry mà còn với những hộ khác trong hoàng gia như Cung điện Buckingham, nơi nhân viên của Nữ hoàng làm việc, hay tại Dinh Clarence, nơi ở của Thái tử Charles.

Quan hệ báo chí là tâm điểm xung đột giữa vợ chồng Harry và gia đình. Từng trải qua khó khăn tương tự, nhưng Thái tử Charles vun đắp quan hệ với báo lá cải Anh tốt hơn là Harry và Meghan, những người cắt đứt quan hệ với báo lá cải và đệ đơn kiện một số báo xâm phạm quyền riêng tư.

Harry, người đổ lỗi cho báo chí đã đưa tin xấu về mẹ anh, cũng như cái chết của bà trong vụ tai nạn ô tô ở Paris năm 1997, đã mô tả “bản hợp đồng vô hình” giữa gia đình và báo lá cải.

“Nếu là một người hoàng gia sẵn sàng mời rượu, mời tiệc, trao quyền tiếp cận cho những phóng viên này”, anh nói, “thì sẽ được đưa tin tốt”.

Anh nói bố mình và những người khác trong gia đình rất sợ báo lá cải trở mặt. Để duy trì sự tồn tại của chế độ quân chủ phụ thuộc vào duy trì hình ảnh trước người dân Anh, mà hình ảnh đó do báo lá cải thống lĩnh thị trường tuyên truyền. Giống Nhà Trắng, cung điện cho phép phóng viên tiếp cận hoàng gia, ghi lại các buổi họp hành và sự kiện của Nữ hoàng.

“Nỗi sợ bị kiểm soát tồn tại qua nhiều thế hệ”, Harry nói. “Tôi xin nhắc lại là nhiều thế hệ”.

Các nhà sử học khẳng định điều này. Quan hệ giữa hoàng gia Anh và báo lá cải bắt đầu từ những năm 1920. Giao dịch mang lại lợi ích song phương: Hoàng gia quảng bá được hoạt động, giúp minh bạch ngân sách dùng cho an ninh và những chi phí khác. Báo lá cải có nguồn tin ổn định từ công chúa hoàng tử, công tước nữ công tước, để bán được báo.

Khi ông trùm truyền thông toàn cầu Rupert Murdoch xuất hiện những năm 1970, cách đưa tin về hoàng gia bắt đầu gai góc và khó chịu hơn. Harry đã kiện tờ Sun của Murdoch khi báo này đưa tin điện thoại của anh bị tin tặc tấn công, còn Meghan gần đây đã thắng kiện The Mail vì xuất bản thư tín cá nhân mà cô từng gửi cho bố.

Buổi phỏng vấn của Harry và Meghan còn khiến dư luận chú ý khi Piers Mogan, một trong những người dẫn chương trình “Chảo buổi sáng nước Anh” nổi tiếng trên ITV, bất ngờ từ chức.

Morgan, người luôn kịch liệt chỉ trích vợ chồng Harry, tuyên bố “không tin một lời nào” trong buổi phỏng vấn, dù Meghan cho hay từng có ý định tự tử và tiết lộ này khiến cơ quan quản lý truyền thông của Anh nhận được hơn 41.000 khiếu nại.

“Chế độ quân chủ không thể tồn tại nếu thiếu truyền thông, nhưng làm thế nào để quản lý truyền thông?” Edward Owens, nhà sử học kiêm tác giả cuốn “Công ty gia đình. Hoàng gia, truyền thông và công chúng Anh, 1932-1953”, nhận xét.

Harry và Meghan là đôi vợ chồng mới nhất trong hoàng gia lên tiếng về nỗi khổ là cái giá phải trả cho nghĩa vụ hoàng gia. Owens nhận định không thể tránh được phải hy sinh khi vua George VI từng nói hoàng gia là một công ty.

“Công ty đó cho rằng nghĩa vụ và công việc của hoàng gia luôn phải đặt lên đầu, còn tình cảm xét sau”, ông nói.

Hồng Hạnh (Theo New York Times) – VnExpress

Leave a Reply