Cảnh sát Myanmar vượt biên vì lệnh ‘bắn chết’ người biểu tình

Khi Tha Peng được lệnh bắn người biểu tình ở thị trấn Khampat, vùng Sagaing, ngày 27/2, cảnh sát này từ chối và tìm đường vượt biên sang Ấn Độ.

“Hôm sau, cấp trên gọi điện hỏi tôi có bắn không”, Tha Peng, hạ sĩ cảnh sát 27 tuổi, trả lời phỏng vấn hôm 9/3. Anh tiếp tục từ chối thực thi mệnh lệnh và sau đó từ chức. Tha Peng từ chối nêu tên đầy đủ để bảo vệ danh tính.

Ngày 1/3, Tha Peng rời gia đình ở Khampat, phía tây Myanmar, và bắt đầu hành trình ba ngày, chủ yếu đi ban đêm để tránh bị phát hiện, trước khi đến bang Mizoram, đông bắc Ấn Độ.

“Tôi không có lựa chọn khác”, Tha Peng nói, thêm rằng anh và 6 đồng nghiệp đều không tuân lệnh cấp trên hôm 27/2, nhưng không nêu tên sĩ quan này. Reuters xác nhận thẻ cảnh sát và thẻ căn cước của Tha Peng.

Reuters không thể xác minh độc lập câu chuyện của Tha Peng, nhưng nó tương tự lời khai của 4 cảnh sát Myanmar vượt biên vào Mizoram hôm 1/3 trong tài liệu nội bộ của cảnh sát địa phương. Tài liệu này cũng cung cấp chi tiết tiểu sử 4 cảnh sát và lý do họ rời đất nước.

“Khi phong trào bất tuân dân sự ngày càng mạnh và biểu tình phản đối đảo chính diễn ra khắp nơi, chúng tôi được lệnh bắn người biểu tình”, 4 cảnh sát vượt biên cho biết trong bản trình bày chung với cảnh sát Mizoram. “Chúng tôi không có can đảm bắn vào người dân biểu tình ôn hòa”.

Tha Peng là một trong những trường hợp đầu tiên được báo chí đưa tin về cảnh sát bỏ trốn khỏi Myanmar sau khi bất tuân lệnh quân đội. Cùng với thẻ căn cước, anh cũng trưng ra ảnh mặc cảnh phục và cho biết đã phục vụ lực lượng này 9 năm.

Tha Peng nói rằng theo quy định, cảnh sát chỉ được bắn người biểu tình bằng đạn cao su hoặc bắn dưới đầu gối để chặn họ. Tuy nhiên, cấp trên của anh chỉ thị “bắn đến chết”.

Ngun Hlei, người nhận là cảnh sát ở thành phố Mandalay, cũng nói anh được lệnh bắn người biểu tình, nhưng không nói rõ thời gian hay liệu có phải lệnh bắn chết. Ngun Hlei, 23 tuổi, không cung cấp chi tiết về bất kỳ thương vong nào.

Tha Peng và Ngun Hlei tin rằng cảnh sát đang hành động theo lệnh của quân đội, nhưng không cung cấp bằng chứng. Tuy nhiên, 4 cảnh sát vượt biên khác cũng khai tương tự. “Quân đội gây sức ép với cảnh sát, buộc họ đối đầu người dân”, theo tài liệu mật của cảnh sát Mizoram.

Ngun Hlei nói anh đã bị khiển trách vì không tuân lệnh và bị chuyển công tác. Anh tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ trên mạng và tìm đường đến làng Vaphai, Mizoram ngày 6/3. Tổng chi phí cho hành trình này là 200.000 kyat Myanmar (143 USD).

Dal, 24 tuổi, cho biết cô là cảnh sát tại thị trấn Falam, tây bắc Myanmar. Cô chủ yếu làm công việc hành chính, gồm lập danh sách người bị bắt giam. Khi biểu tình bùng phát sau đảo chính, Dal được lệnh bắt người biểu tình nữ, song cô từ chối. Lo sợ bị bỏ tù vì đứng về phía người biểu tình và phong trào bất tuân dân sự, cô quyết định bỏ trốn khỏi Myanmar.

Cả ba đều nói rằng phần lớn cảnh sát Myanmar ủng hộ người biểu tình. “Ở đồn cảnh sát, 90% ủng hộ người biểu tình nhưng không có lãnh đạo nào đoàn kết họ”, Tha Peng, người để lại vợ và hai con gái nhỏ ở quê nhà, nói.

Như người vượt biên sang Ấn Độ những ngày gần đây, cả ba đang sống rải rác quanh huyện Champhai, được một mạng lưới các nhà hoạt động địa phương hỗ trợ.

Quan chức Myanmar tuần trước viết thư cho quan chức Champhai, yêu cầu trao trả 8 cảnh sát vượt biên vào Ấn Độ “để duy trì quan hệ hữu nghị giữa hai nước láng giềng”. Tha Peng cho biết anh rất nhớ gia đình nhưng không muốn trở lại Myanmar.

Chính quyền quân sự Myanmar hiện chưa bình luận về những thông tin trên.

Dù được lực lượng bán quân sự bảo vệ, biên giới Ấn Độ – Myanmar là khu vực có thể “di chuyển tự do”, cho phép người Myanmar đi sâu vài km vào lãnh thổ Ấn Độ mà không cần giấy thông hành. Theo một quan chức cấp cao Ấn Độ, khoảng 100 người Myanmar, chủ yếu là cảnh sát và gia đình họ, đã vượt biên vào Ấn Độ trong những ngày gần đây.

Huyền Lê (Theo Reuters) – VnExpress

Leave a Reply