Cử lính liên bang dẹp biểu tình, TT Trump muốn đối đầu các tiểu bang?

Việc cảnh sát liên bang trấn áp người biểu tình ở Portland, thành phố lớn nhất bang Oregon, mà không có sự đồng ý của cơ quan địa phương dấy lên rủi ro về khủng hoảng hiến pháp.

Chính quyền bang và các cơ quan địa phương ở Oregon đang nóng lòng đợi phán quyết từ vụ kiện do Tổng chưởng lý bang Oregon Ellen Rosenblum đưa ra hồi tuần trước.

Trong đơn kiện, bà Rosenblum cáo buộc lực lượng liên bang đã bắt nhiều người ở cách xa một tòa án liên bang ở Portland mà không có lý do chính đáng. Sau khi bị bắt, họ bị áp giải lên những chiếc xe không biết dấu tích.

Các chuyên gia hiến pháp ngày 20/7 cảnh báo hành động của lực lượng liên bang được xem là “cảnh báo đỏ” cho phép thử về quyền hạn của tiểu bang, khi chính quyền Trump muốn mở rộng triển khai cảnh sát liên bang ra nhiều thành phố.

Michael Dorf, giáo sư sử học của Đại học Cornell, chỉ ra nguy cơ ở chỗ chính quyền liên bang lấy lý do có biến cố ở một tòa án liên bang, để rồi tự ý đưa quân đến và làm bất cứ gì họ muốn, mà không có sự hợp tác hoặc điều phối nào với chính quyền bang và cơ quan địa phương, theo AP.

“Đó là bước đi điển hình của các nhà độc tài, khi viện cớ là bạo lực gia tăng để đưa quân vào, rồi áp đặt phản ứng bằng bạo lực, thúc đẩy việc sử dụng vũ lực ngay từ đầu”, giáo sư Dorf nói.

Chiến thuật can thiệp của chính quyền TT Trump

Tổng thống Trump không giấu giếm kế hoạch điều động lực lượng liên bang đến nhiều thành phố khác. Họ chủ yếu được huy động từ đội cảnh sát thuộc Bộ An ninh Nội địa và Bộ Tư pháp Mỹ.

“Họ đã làm rất tốt ở Portland. Chỉ trong 3 ngày mà họ đã thực hiện nhiệm vụ rất xuất sắc, trong một thời gian rất ngắn”, ông Trump viết trên Twitter.

Tờ Chicago Tribune ngày 20/7 dẫn những nguồn giấu tên cho biết ông Trump sẽ điều 150 cảnh sát liên bang đến Chicago.

Liên đoàn tự do dân sự Mỹ (ACLU) ở Oregon từng khởi kiện về sự xuất hiện của các binh sĩ liên bang ở Portland. Chi nhánh ở Chicago của ACLU cũng cho biết sẽ hành động tương tự.

Trong khi đó, nhiều nghị sĩ cấp cao tại hạ viện nói họ “quan ngại” về chiến thuật của chính quyền Trump ở Portland và các thành phố, kêu gọi các tổng thanh tra liên bang vào cuộc để điều tra.

Người Mỹ coi trọng sự độc lập của quyền lực tiểu bang và chính quyền địa phương, luôn cảnh giác với mọi sự can thiệp của liên bang, đặc biệt là các lực lượng vũ trang.

Thượng nghị sĩ Rand Paul, một tiếng nói quan trọng của đảng Cộng hòa, công khai chỉ trích sự xuất hiện của đội an ninh liên bang tại Portland.

“Chúng ta không thể đánh đổi tự do lấy an ninh. Các đơn vị hành pháp địa phương đủ sức, và nên đứng ra xử lý những tình huống thế này tại thành phố của họ. Không có cơ sở để lính liên bang và những đặc vụ nặc danh đến đây bắt người”, ông viết trên Twitter.

Những cuộc biểu tình phản đối việc sử dụng bạo lực quá mức trong ngành cảnh sát đã diễn ra đến ngày thứ 52 ở thành phố Portland. Nhiều cuộc tuần hành ôn hòa thu hút hàng nghìn người tham gia.

Tuy nhiên, nhiều nhóm nhỏ hơn với khoảng vài trăm người lại nhắm chủ yếu vào các cơ quan liên bang và trụ sở cảnh sát địa phương. Họ đập vỡ cửa sổ, phóng hỏa đốt văn phòng, và đụng độ với đội hành pháp sở tại.

Sở cảnh sát Portland phải sử dụng hơi cay để đối phó với người biểu tình, cho đến khi tòa án liên bang buộc họ phải ngưng lại nếu không tuyên bố tình hình bạo động trước đó.

Giờ đây, lo ngại chuyển sang việc người bắn hơi cay lại chính là lực lượng liên bang.

Làm phức tạp thêm tình hình

Sự bất mãn với cảnh sát liên bang leo thang vào ngày 11/7, khi người biểu tình Donavan LaBella phải nhập viện, chấn thương nghiêm trọng sau khi bị một sĩ quan thuộc lực lượng Cảnh sát Tư pháp Mỹ tấn công vào đầu.

Các đơn kiện phản đối việc bắt người cho biết cảnh sát liên bang đã lập những điểm quan sát ở tầng trên của trụ sở tòa án tại Portland, và cử cảnh sát mặc thường phục trà trộn vào đám đông.

Một đơn kiện khác cho biết một người bị bắt vì chiếu đèn laser vào mắt của những cảnh sát thuộc Bộ An ninh Nội địa. Người này bị xác nhận danh tính bởi những đặc vụ liên bang mặc thường phục.

Ted Wheeler, Thị trưởng thành phố Portland, khẳng định tình hình ở vùng này đã hạ nhiệt dần nhưng lại bùng lên từ khi cảnh sát liên bang đến can thiệp.

“Họ khiến tình hình leo thang nghiêm trọng. Sự xuất hiện của họ trên thực tế là khiến bạo lực và đốt phá gia tăng chứ không giúp ích gì”, ông nói trên CNN.

“Chúng tôi không muốn họ ở đây. Chúng tôi không yêu cầu sự trợ giúp của họ. Chúng tôi muốn họ phải rời đi”, vị thị trưởng khẳng định.

Theo AP, dòng người biểu tình ở Portland đã rút dần từ tuần trước. Một số người theo chủ nghĩa tự do, bao gồm nhiều chức sắc trong cộng đồng gốc Phi, đã kêu gọi kết thúc các cuộc tuần hành ban đêm.

Tuy nhiên, cho đến cuối tuần, sự xuất hiện của cảnh sát liên bang cùng việc ông Trump liên tục khẳng định Portland là điểm nóng của những kẻ phá hoại khiến tình hình sôi sục trở lại.

Steve Vladeck, giáo sư luật hiến pháp tại Đại học Texas, thừa nhận khả năng một số hành vi vi phạm luật liên bang có thể xảy ra trong quá trình biểu tình. “Nhưng điều cần nói là việc lấy lý do có người phạm tội để điều động cảnh sát liên bang đến đây, phô trương sức mạnh trên đường phố, thì đối với tôi là chưa từng có”.

“Cảnh sát liên bang không phải là một chỗ dựa chính trị”, giáo sư Vladeck nói trên AP.

Minh Anh – Zing

Leave a Reply