Nhà khoa học nước ngoài duy nhất từng làm ở phòng thí nghiệm Vũ Hán

Danielle Anderson là nhà khoa học nước ngoài duy nhất từng làm việc tại phòng thí nghiệm Vũ Hán vài tuần trước khi những ca Covid-19 đầu tiên xuất hiện.

Anderson, nhà virus học Australia chuyên về virus từ loài dơi, thực hiện các nghiên cứu tại phòng thí nghiệm BSL-4, nơi đầu tiên ở Trung Quốc được thiết kế mức độ an toàn sinh học cao nhất để xử lý các mầm bệnh chết người.

Việc nCoV xuất hiện trong cùng thành phố, nơi có Viện Virus học Vũ Hán (WIV), đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về khả năng virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm, có thể thông qua một nhân viên hoặc vật thể bị nhiễm bệnh. Sự thiếu thông tin từ phía Trung Quốc trong những ngày đầu dịch bùng phát càng thổi bùng những nghi ngờ đó.

Tuy nhiên, những tranh cãi và đồn đoán xung quanh Viện Virus học Vũ Hán trong suốt thời gian qua trái ngược với những mô tả của Anderson về nơi cô từng làm việc. Cô cho rằng một nửa sự thật về chức năng và hoạt động của phòng thí nghiệm đã bị truyền thông bóp méo.

“Nó chỉ là một phòng thí nghiệm thông thường hoạt động giống như cách của bất kỳ phòng thí nghiệm có mức độ bảo vệ cao khác”, Anderson nói. “Những gì mọi người nói không hẳn là như vậy”.

Anderson, người đang làm việc tại Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty ở Melbourne, bắt đầu hợp tác với các nhà nghiên cứu Vũ Hán từ năm 2016, khi cô là giám đốc phòng thí nghiệm an toàn sinh học tại Trường Y Duke-NUS ở Singapore. Nghiên cứu của cô, tập trung vào lý do các virus gây chết người như Ebola và Nipah không gây bệnh cho dơi mà chúng trú ngụ, bổ sung cho những nghiên cứu đang được tiến hành ở WIV, nơi cung cấp tài trợ để khuyến khích hợp tác quốc tế.

Được xem như ngôi sao đang lên của cộng đồng virus học, Anderson, 42 tuổi, cho biết nghiên cứu về Ebola tại Vũ Hán là con đường để cô hiện thực hóa mục tiêu sự nghiệp cuộc đời. Công việc mà Anderson muốn làm là ứng phó với các virus mới nguy hiểm và với cô điều đó đồng nghĩa với việc nghiên cứu về Ebola trong các phòng thí nghiệm có mức độ an toàn sinh học cao.

Công việc này đã giúp Anderson có cơ hội tới nhiều nơi trên thế giới. Sau khi tốt nghiệp tại Đại học Deakin ở Geelong, Australia, cô có thời gian làm kỹ thuật viên phòng thí nghiệm ở Viện Ung thư Dana-Farber ở Boston, Mỹ. Sau đó, cô trở về Australia để hoàn thành chương trình học tiến sĩ. Điểm dừng chân tiếp theo của Anderson là Montreal, Canada, trước khi chuyển tới Singapore làm việc.

Anderson đã có mặt ở Vũ Hán vào thời điểm mà các chuyên gia tin virus nCoV bắt đầu lây lan. Trước khi công việc kết thúc vào tháng 11/2019, Anderson thường xuyên có cơ hội tiếp xúc với những người làm việc tại WIV, trung tâm nghiên cứu 65 năm tuổi. Mỗi buổi sáng, cô cùng một nhóm nghiên cứu có mặt tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc để chờ xe buýt tới viện WIV cách đó hơn 30 km.

Là người nước ngoài duy nhất, Anderson cho biết cô luôn được các nhà nghiên cứu khác ở đó quan tâm. “Chúng tôi đi ăn tối, ăn trưa cùng nhau hay có những cuộc gặp gỡ ngoài phòng thí nghiệm”, cô nói.

Từ lần đầu tiên tới WIV vào năm 2018, Anderson đã rất ấn tượng với phòng thí nghiệm có mức độ an toàn sinh học cấp cao nhất của viện. Tòa nhà bê tông, xây dựng theo kiểu boongke là nơi có mức độ an toàn sinh học cao nhất, đòi hỏi không khí, nước và chất thải đều phải lọc và khử trùng trước khi thải ra bên ngoài. Nơi đây cũng có nhiều quy định khắt khe về kiểm soát mầm bệnh và các nhà nghiên cứu phải trải qua 45 tiếng đào tạo để được phép làm việc độc lập tại phòng thí nghiệm này, theo Anderson. Việc vào và ra khỏi phòng thí nghiệm cũng được kiểm soát chặt chẽ, với các yêu cầu vệ sinh và khử trùng nghiêm ngặt.

Đây là những quy định bắt buộc với hầu hết phòng thí nghiệm BSL-4, dù Anderson lưu ý có những điểm khác biệt với những cơ sở tương tự ở châu Âu, Sinagpore và Australia mà cô từng làm việc. Phòng thí nghiệm ở Vũ Hán sử dụng phương pháp riêng để khử trùng và theo dõi hàng ngày, một hệ thống mà Anderson đã giới thiệu cho chính phòng thí nghiệm của cô.

Anderson được kết nối bằng tai nghe với các đồng nghiệp và trung tâm chỉ huy của phòng thí nghiệm để đảm bảo liên lạc không bị ngắt quãng và nhận các cảnh báo an toàn. Tất cả các thiết kế ở đây đều nhằm ngăn mọi sai sót có thể xảy ra và dẫn đến những tình huống tồi tệ.

Tuy nhiên, giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm do tai nạn ở phòng thí nghiệm vẫn được lan truyền và ngày càng được quan tâm, dù ban đầu bị bác bỏ kịch liệt. Trong một bài viết trên tạp chí Science mới đây, 18 nhà khoa học đã kêu gọi điều tra nguồn gốc Covid-19 và không loại trừ khả năng xảy ra tai nạn ở phòng thí nghiệm Vũ Hán. Ngay cả Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cho biết giả thuyết này chưa được nghiên cứu đầy đủ.

Đặc biệt, yêu cầu điều tra nguồn gốc Covid-19 của Tổng thống Joe Biden càng làm tăng tính hợp pháp cho giả thuyết này. Yêu cầu của Biden được đưa ra sau khi một báo cáo tình báo được đăng trên Wall Street Journal cho biết ba nhà nghiên cứu của phòng thí nghiệm Vũ Hán từng phải nhập viện với các triệu chứng giống Covid-19 hồi tháng 11/2019.

Tuy nhiên, Anderson nói không ai trong số người cô biết ở Viện Virus học Vũ Hán bị ốm vào cuối năm 2019. “Nếu mọi người bị ốm, tôi đoán mình cũng sẽ bị ốm. Nhưng thực tế thì không. Tôi đã xét nghiệm Covid-19 ở Singapore trước khi tiêm vaccine và kết quả cho thấy tôi chưa từng nhiễm”, cô nói.

Không riêng Anderson, nhiều người từng nghiên cứu cùng cô ở Vũ Hán đã đến Singapore vào cuối tháng 12 để tham gia cuộc thảo luận về virus Nipah, nhưng không ai trong họ nói điều gì về việc có dịch bệnh ở phòng thí nghiệm.

“Theo tôi thấy, không có bất kỳ điều gì kỳ lạ vào thời điểm đó khiến bạn nghĩ có chuyện gì đang xảy ra ở phòng thí nghiệm này”, cô nói.

Tên của các nhà khoa học nhập viện chưa được báo cáo tiết lộ. Chính phủ Trung Quốc và Thạch Chính Lệ, nhà nghiên cứu nổi tiếng về virus ở loài dơi ở WIV, nhiều lần phủ nhận cơ sở nghiên cứu có liên quan tới Covid-19.

Nghiên cứu của Anderson ở phòng thí nghiệm Vũ Hán và ngân sách tài trợ cho cô đã kết thúc sau khi đại dịch xuất hiện và cô cũng đang tập trung vào loại virus corona mới này.

Anderson cho rằng không phải hoàn toàn không có khả năng virus thoát ra từ phòng thí nghiệm. “Tôi không ngây thơ tới mức loại bỏ khả năng này”, cô nói.

Nhưng Anderson tin vào khả năng Covid-19 có nguồn gốc tự nhiên nhiều hơn. Vì các nhà nghiên cứu từng mất gần 10 năm để xác định nguồn gốc của mầm bệnh SARS trong tự nhiên, Anderson nói cô không ngạc nhiên khi hiện tại họ chưa thể xác định loài dơi đã gây ra đợt bùng phát năm ngoái.

Dù không thể khám phá hết Viện Virus học Vũ Hán vào năm ngoái và biết tường tận mọi nghiên cứu ở đó, Anderson tin không có loại virus nào được cố tình tạo ra để nhiễm bệnh cho con người và để nó thoát ra ngoài, như một số giả thuyết được đưa ra.

Anderson thừa nhận về mặt lý thuyết, một nhà khoa học có thể thực hiện nghiên cứu thăm dò chức năng virus và vô tình nhiễm bệnh, sau đó lây cho cộng đồng. Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng nào cho điều này và Anderson đánh giá khả năng này “cực kỳ thấp”.

Để được phép tạo ra một loại virus theo cách thăm dò chức năng thường đòi hỏi nhiều lớp phê duyệt và có rất nhiều giới hạn đối với nghiên cứu này. Ngay cả khi được thông qua, Anderson cho biết khả năng thành công với kỹ thuật “di truyền ngược” này rất thấp.

“Rất khó để có thể thành công ngay cả khi bạn muốn”, cô nói.

Anderson cho rằng một cuộc điều tra là cần thiết để khẳng định chắc chắn nguồn gốc của Covid-19. Nhưng cô thấy khó chấp nhận cách nhiều hãng truyền thông ngoài Trung Quốc nói về Viện Virus học Vũ Hán và có những lời lẽ độc hại nhắm vào những nhà khoa học ở đó.

“Không ai có thể tưởng tượng đại dịch có thể xảy ra với quy mô như vậy”, Anderson nói. “Virus đã xuất hiện ở đúng nơi vào đúng thời điểm và mọi thứ tạo nên một chuỗi dẫn đến thảm họa” .

Thanh Tâm (Theo Bloomberg) – VnExpress

Leave a Reply